Thứ Năm | 17/04/2014 12:10

EC cảnh báo hậu quả kinh tế từ việc trừng phạt Nga

Tài liệu của EC đánh giá hạng mục năng lượng, tài chính, thương mại, và chỉ ra hậu quả trong quan hệ kinh tế song phương giữa Nga và mỗi nước EU.
Ủy ban châu Âu (EC) đã gửi một số tài liệu cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), để cảnh báo về hậu quả kinh tế từ các biện pháp trừng phạt thương mại và tài chính khắt khe hơn mà EU đe dọa áp đặt với Nga liên quan tới tình hình Ukraine.

Được gửi riêng tới các đại sứ EU trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) ngày 16/4, các tài liệu của EC đánh giá một số hạng mục trừng phạt, bao gồm năng lượng, tài chính và thương mại, đồng thời chỉ ra hậu quả mà các biện phát trừng phạt này có thể gây ra trong quan hệ kinh tế song phương giữa Nga và mỗi quốc gia EU.

Các nước EU có thời hạn tới ngày 22/4 để phản hồi với EC, sau đó EC sẽ sửa đổi các biện pháp trừng phạt với mục tiêu có được sự nhất trí vào tuần tới, giúp các nhà lãnh đạo EU đưa ra quyết định nếu tình hình tại Ukraine diễn biến xấu đi.

Một nhà ngoại giao EU cho biết điều quan trọng là không được để xảy ra tình huống một vài nước EU sẽ phải chịu hậu quả nặng nề từ các biện pháp trừng phạt với Nga.

Trong một cuộc họp hồi tháng trước, các nhà lãnh đạo EU nhất trí sẽ đi tới "giai đoạn trừng phạt thứ ba" nếu Liên bang Nga "có bất kỳ bước đi tiếp theo nào làm mất ổn định tình hình Ukraine." Việc gia tăng trừng phạt được đưa ra sau các vụ biểu tình căng thẳng ở miền Đông Ukraine mới đây mà Kiev nói rằng do Moskva hậu thuẫn. Tuy nhiên, nhiều nước EU yêu cầu có thêm bằng chứng trước khi đưa ra một quyết định gia tăng trừng phạt, bởi lo ngại một quyết định vội vã có thể gây phương hại cho kinh tế chính các nước EU.

Một số quan chức ngoại giao EU cho hay giai đoạn trừng phạt tiếp theo đối với Nga còn phụ thuộc nhiều vào cuộc gặp bốn bên giữa Nga, Mỹ, Ukraine và EU tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 17/4.

Một số thành viên EU bày tỏ quan ngại rằng những biện pháp đáp trả của Nga có thể khiến hậu quả của những lệnh trừng phạt trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là với Đức - vốn nhập khẩu 30% khi đốt và dầu mỏ từ Nga và xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp tới Moskva.

Ngoài ra, hậu quả về kinh tế nếu áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga cũng nhiều khả năng xảy ra với Anh, cùng các nước EU có quan hệ kinh tế gắn bó với Nga như Italy, Áo, Cyprus và Hy Lạp.

Cho tới nay, EU đã áp đặt những biện pháp trừng phạt hạn chế đối với Moskva, trong đó có lệnh cấm du lịch và đóng băng tài khoản của khoảng 30 cá nhân.

Nguồn Vietnamplus


Sự kiện