Đừng tưởng cứ bơm tiền là xong
Các nhà quan sát quốc tế nhìn màn hài kịch ngân sách tại Mỹ với con mắt vừa bối rối, vừa ngờ vực, họ không hiểu vì sao một quốc gia dường như đang có mọi thứ trong tay lại có thể xử lý vấn đề ngân sách lộn xộn đến vậy.
Căn nguyên không phải là con số nợ công khổng lồ hay những khoản trợ cấp phi lý cho người cao tuổi. Đó thực chất là do công chúng Mỹ nay bất đồng sâu sắc về con đường phía trước của chính phủ. Vì thế, trận chiến ngân sách hiện nay có lẽ chỉ là một cuộc chạm súng nhỏ trong cuộc chiến dai dẳng trước mắt.
"Cảnh sát quốc tế"
Nước Mỹ phải sớm trả lời một loạt những câu hỏi cơ bản. Ví dụ như năm thập kỷ nữa, GDP Mỹ chỉ còn chiếm 10% GDP toàn cầu so với 20% hiện nay. Vậy Mỹ có nên tiếp tục đóng vai "cảnh sát quốc tế" không?
Mỹ hiện chi hơn 4% GDP cho quốc phòng, gấp đôi mức trung bình của thế giới. Kế hoạch ngân sách của chính quyền Obama dự tính sẽ tiết kiệm được tương đối nhờ rút quân khỏi Iraq và Afghanistan.
Nhưng Đảng Cộng hòa có lý của họ khi nói cảnh yên tĩnh ấy sẽ chẳng kéo dài lâu. Ít nhất, nếu chi quân sự tiếp tục giảm, ít nhất cũng phải có dư địa ngân sách để tăng chi nếu Mỹ bị đe dọa.
Cũng nên nhớ nếu Mỹ buộc phải nhường vị trí "cảnh sát toàn cầu" cho Trung Quốc, các nước khác sẽ không còn muốn cho Mỹ vay nữa.
Ai nên làm gì?
Một vấn đề gây bất đồng lớn nữa là chính quyền liên bang, chính quyền bang và khu vực tư nhân nên cung cấp dịch vụ nào.
Có nhiều thứ có thể giải quyết ngay. Tốc độ tăng năng suất ở khu vực công chẳng đáng là bao so với các khu vực khác trong nền kinh tế. Nếu đến thăm lớp tiểu học tại nhiều trường tại Mỹ, bạn sẽ thấy không khác gì đang du hành ngược thời gian.
Từ lâu các nhà kinh tế đã chủ trương nhiều ý tưởng mới, như voucher học phí, nhưng chúng bị các nhóm lợi ích chống đối quyết liệt.
Cùng các nhóm lợi ích ấy còn phản đối các sáng kiến như lớp học trực tuyến hay chấm điểm bằng máy tính đến bao giờ nữa khi mà từ vai trò bổ sung, nay chúng hoàn toàn có thể thay thế giáo dục truyền thống. Ngân sách sẽ tiết kiệm được rất nhiều, nên bất đồng cũng rất lớn.
Xây cầu làm đường hay thời cơ xà xẻo
Ngược lại, đáng ra cơ sở hạ tầng phải là lĩnh vực có được sự đồng thuận, nhưng mọi chuyện lại dậm chân tại chỗ.
Ngoài việc nên ưu tiên vốn vào đâu, những người xem cơ sở hạ tầng là nguồn lợi béo bở và những người muốn xây cầu làm đường với cái giá hợp lý ắt không thể đội trời chung.
Có câu chuyện hài rằng một nhóm người Trung Quốc hỏi hướng dẫn viên du lịch ở New York rằng đường tàu điện ngầm số 2 bao lâu mới xây xong. Khi nghe thấy 2 năm, phiên dịch tiếng Trung còn ngần ngừ hỏi lại cho rõ: "Đợi chút, ý ông chắc là 2 tuần đúng không?"
Chính sách nhập cư
Một trong những tài sản lớn nhất của nước Mỹ là khả năng tiếp nhận dân nhập cư mà không sợ thiếu thốn đất đai hay tài nguyên.
Nhưng chính sách nhập cư của Mỹ từ lâu đã bị cảm xúc chi phối, chứ không phải do những tính toán kinh tế duy lý quyết định như ở các nước khác. Thủ tục visa cứng ngắc là nhằm ngăn ngừa khủng bố, nhưng chúng lại cực kỳ phản tác dụng.
Chính sách nhập cư sẽ ảnh hưởng nặng nề tới nợ công của Mỹ và các chương trình trợ cấp cho người nghèo, dù vậy, mối quan hệ này ít được người ta chú ý tới. Và đương nhiên, y tế là vấn đề của mọi vấn đề khi mà giá thành tăng mà dân số lại già đi.
Đừng tưởng cứ kích thích là xong
Có người nói nên mặc kệ tất cả và cứ kích thích kiểu Keynes là xong. Đó là một suy nghĩ nguy hiểm. Chính phủ thu thuế và chi tiêu thế nào cũng rất quan trọng, chứ không chỉ bao nhiêu.
Nợ công hiện nay của Mỹ là một hạn chế. Nhiều nghiên cứu thực chứng cho thấy Mỹ đã nợ tới mức có thể làm tăng trưởng chậm lại. Dù lãi suất hiện có thấp nhưng đồng nghĩa với việc Mỹ là ngoại lệ, hãy cứ nhìn lãi suất ở Nhật Bản thì biết.
Vai trò đồng tiền dự trữ giúp Mỹ có nhiều dư địa chính sách hơn, nhưng được bao lâu và đến chừng nào? Nợ đầm đìa là nguy cơ chính là vì nó giảm khả năng giải quyết các cú sốc trong tương lai.
Mỹ vẫn là một quốc gia phi thường với sức mạnh đáng nể. Hầu hết cả thế giới đều đang nghĩ Mỹ sẽ tìm ra được cách ổn định vấn đề ngân sách. Tuy vậy, nhiều người Mỹ vẫn không thể nào không lo ngại rằng, lần này họ sẽ không vượt được qua thử thách.
Với hơn 5 nghìn tỷ USD nợ cấp liên bang, và những kinh nghiệm như thời siêu lạm phát 1970 hay khi nước Mỹ phải từ bỏ bản vị vàng những năm 30, ắt người ngoại quốc cũng đáng để lo ngại.
Nguồn CafeF