Giới trẻ Thụy Sỹ không mấy mặn mà với công việc trong lĩnh vực công nghiệp. Ảnh: MPS.

 
Cẩm Tú Thứ Năm | 18/05/2023 11:31

Đức và Thụy Sĩ đối diện khủng hoảng thiếu lao động

Thực trạng ngày càng ít người trẻ thích học nghề đã khiến các cường quốc công nghiệp bị thiếu lao động trầm trọng, phải tính đến việc cải cách nhập cư.

Phát biểu trước truyền thông mới đây, Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil của Đức cho biết, nếu Đức không có hành động gì thì đến năm 2035, nước này sẽ thiếu 7 triệu lao động. Với nhiều ngành công nghiệp, vấn đề thiếu lao động đã rất rõ ràng. Đại diện Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức (VDA) cũng nhận định rằng việc thiếu công nhân lành nghề là một trong những thách thức chính đối với các doanh nghiệp trong ngành ô tô Đức.

Theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây, hơn 3/4 các công ty đang thiếu hụt nhân công trầm trọng. Một bức tranh tương tự cũng xảy ra với ngành cơ khí, mà từ lâu được xem là một trong những động lực chính của thị trường xuất khẩu khổng lồ Đức. Tình trạng thiếu lao động lành nghề đang làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hiệp hội Công nghiệp Điện tử và Kỹ thuật số Đức (ZVEI), cho biết hơn 40% các công ty trong lĩnh vực điện và kỹ thuật số đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng các vị trí, đặc biệt là ngành bán dẫn bị ảnh hưởng nặng nề.

Hơn 3/4 các công ty công nghiệp tại Đức đang thiếu hụt nhân công trầm trọng. Ảnh:
Hơn 3/4 các công ty công nghiệp tại Đức đang thiếu hụt nhân công trầm trọng. Ảnh: menafn.

Hệ thống giáo dục kép của Đức, kết hợp đào tạo nghề với học việc, từ lâu đã được coi là một trong những chìa khóa cho sức mạnh kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, ngày càng ít người Đức thích học nghề. Năm 2022, có tổng cộng 469.000 người theo học nghề, ít hơn khoảng 100.000 người so với năm 2011. Đối với hàng ngàn công ty, nhìn chung tình hình đang ngày càng tồi tệ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil cho rằng thúc đẩy cải cách nhập cư sẽ cải thiện tình hình.

IAB ước tính từ nay đến năm 2060, cứ 3 năm 1 lần, Đức cần bổ sung 1,2 triệu công nhân để duy trì lực lượng lao động đầy đủ.

Tương tự với Đức, tình trạng thiếu lao động trong ngành công nghiệp của Thụy Sĩ đang ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và lĩnh vực ngoại thương. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Thụy Sĩ, ngành công nghiệp thiết bị và ngành sản xuất đồng hồ chiếm đến 37% kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Công ty Micro Precision Systems (MPS), có trụ sở tại Bern đang gặp khó trong việc tuyển gấp các chuyên gia để duy trì tốc độ tăng trưởng. Với khoảng 475 nhân viên, MPS đặt mục tiêu tăng doanh thu từ 84 triệu USD vào năm 2022 lên 94 triệu USD trong năm tài chính hiện tại. Nhu cầu cực kỳ cao, được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, tạo ra mức tăng trưởng doanh thu trên 11%. Để đạt được mục tiêu đúng tiến độ, Công ty cần tuyển dụng khoảng 20 vị trí đang trống. Tuy nhiên đây là một nhiệm vụ rất khó khăn.

Nhu cầu về nhân sự trong lĩnh vực thiết bị tại Thụy Sĩ đang ở mức cao nhất mọi thời đại, có thể thấy rõ từ cổng thông tin việc làm Jobup. Vào tháng 4/2023, ngành công nghiệp Thụy Sĩ đang tìm kiếm tuyển dụng 1.550 thợ máy đa kỹ năng. Cạnh tranh giữa các nhà tuyển dụng rất khốc liệt. Doanh nghiệp gần như không thể tuyển dụng chuyên gia thông qua các phương tiện truyền thống, mà phải dựa vào các mối quan hệ cá nhân của mình.

Có thể bạn quan tâm:

Năng suất lao động sụt giảm mạnh tại nhiều nước phát triển

Nguồn Theo Financial Times