Thứ Năm | 03/05/2012 15:26

Đức trở thành mối đe dọa mới với kinh tế châu Âu

Trong khi các quốc gia châu Âu khác phải đối phó với suy thoái và thắt lưng buộc bụng, Đức lại phải lo ngại trước nguy cơ lạm phát.
Bất chấp các số liệu hiện tại cho thấy giá tiêu dùng của Đức tăng gần 2% vào tháng 4, mức tăng thấp nhất trong hơn một năm, một số nhà kinh tế vẫn thấy nguy cơ bong bóng giá nguy hiểm sẽ tác động vào nền kinh tế này những năm tới.

Giá dầu cao và các dấu hiệu cho thấy lương và giá nhà Đức đang tăng, sau tình trạng trì trệ thập niên vừa qua càng làm gia tăng lo ngại.

Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất của lo lắng này đến từ chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Nhằm cố gắng thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu từ năm 2009 và chưa có dấu hiệu dừng lại cho tới nay, lãi suất đã bị đẩy tới mức thấp kỉ lục, đồng thời, một lượng thanh khoản lớn đã được bơm vào các ngân hàng châu Âu.

Các biện pháp này của ECB có thể phù hợp với Tây Ban Nha và Hy Lạp, các quốc gia đang phải đương đầu với suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng ở mức 25%. Tuy nhiên nó lại làm nền kinh tế khỏe mạnh của Đức đối mặt với các nguy cơ, mặc dù vẫn chưa rõ ràng cho tới những tháng tiếp theo.

Ông Joachim Scheide, trưởng bộ phận dự báo tại viện Kiel, cho rằng kể từ khi đồng euro được đưa ra, lãi suất là quá cao với Đức và quá thấp với các quốc gia Tây Ban Nha hay Hy Lạp". Ông cũng nhấn mạnh, hiện tại sẽ chưa có gì tồi tệ xảy ra, nhưng nguy cơ lạm phát ở Đức trong 2-3 năm tới là rất cao.

Viện Kiel là 1 trong 8 nhóm chuyên gia cảnh báo về tình trạng tồi tệ ở một số thành viên khu vực euro có thể gây khó khăn cho ECB quay trở lại chính sách bình thường kịp lúc ngăn chặn lạm phát tăng cao ở Đức.

Bản thân Chính phủ Đức cũng lo lắng về lạm phát. Tháng trước, Bộ trưởng Kinh tế Đức đã kêu gọi ECB quay lại chế độ bình thường và tập trung ổn định giá cả trong một tuyên bố bằng văn bản đã được nội các thông qua.

Vì sao lạm phát ở Đức lại đáng lo ngại?

Tất cả người Đức đều có ác cảm với giá cả tăng sau siêu lạm phát đầu những năm 1920 khiến các khoản tiết kiệm của người Đức trở thành giấy lộn. Lo lắng về tăng giá cả ở Đức không phải điều gì mới mẻ.

Tuy nhiên lần này, những lo ngại đó có thể tác động mạnh vào châu Âu cũng như hi vọng vực dậy kinh tế khu vực.

Một số nhà kinh tế cho rằng mức lương cao ở Đức là cần thiết. Người tiêu dùng Đức có thêm chút thu nhập, có thể làm tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa châu Âu, thúc đẩy tăng trưởng. Giá nhân công Đức cao hơn, lợi thế cạnh tranh của Đức sẽ giảm, các quốc gia châu Âu có thể dễ bán hàng hóa của mình hơn. Có thể đây là thời điểm tốt để tăng mức giá ở Đức hay chăng?

Phân tích trên cũng lý giải vì sao lạm phát ở Đức lại khiến một số người lo lắng. Và chính nỗi lo này có thể gia tăng áp lực từ Ngân hàng trung ương, các chính trị gia và giới truyền thông Đức, khiến ECB phải kiểm soát chính sách mở rộng của mình. Điều này sẽ gây ra một chính sách tiền tệ hạn chế hơn.

Giáo sư của MIT và cựu kinh tế trưởng Quỹ tiền tệ quốc thế (IMF) cho rằng: "Nếu những người có trách nhiệm, chủ yếu là người Đức, nhấn mạnh cần điều chỉnh thông qua giảm mức lương và giá cả ở các quốc gia đang thâm hụt tài khoản vãng lai và nợ lớn, châu Âu sẽ gặp khó khăn, và có thể lạc lối". Ông cũng đồng thời nói "Nhưng nếu điều chỉnh thông qua tăng lương ở Đức, làm tăng sản xuất và kéo dài sự thịnh vượng - con đường sẽ dễ dàng hơn"

Liệu Đức có thực sự có vấn đề với lạm phát hay không?

Mức lương ở Đức rõ ràng đang tăng. Tuần trước, đảng bảo thủ của thủ tướng Angela Merkel cho biết sẽ cố gắng đưa ra luật về tiền lương tối thiểu mới trên phạm vi toàn quốc trước cuối năm.

Vào tháng 3, lương của 2 triệu công nhân khu vực công Đức tăng 6,3% trong 2 năm. IG Metall, đại diện cho 3,6 triệu công nhân ngành công trình, yêu cầu tăng 6,5% cho riêng năm nay.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng nỗi lo về giá cả và lương ở Đức không đáng có. Số liệu do Cơ quan thống kê liên bang tháng trước chỉ ra giá lao động theo giờ trong khu vực tư nhân tăng ở mức thấp nhất - 19,4% so với bất kì quốc gia châu Âu nào suốt 1 thập kỉ qua.

Tại Pháp, mức tăng là 39,2%, hơn gấp đôi của Đức. Mức trung bình của châu Âu là 36,1%,

Andreas Rees, kinh tế trưởng của UniCredit ở Munich cho rằng "Lương đang tăng thật, nhưng là tăng sau một giai đoạn dài hạn chế". Ông cũng phát biểu " Thực sự tôi không thấy có lý do nào phải lo lắng về vấn đề lương hay tỷ lệ lạm phát sẽ tăng mạnh trong những năm sắp tới. Kinh tế Đức đơn giản là không đủ mạnh để điều khiển giá cả mà thôi."

Những lo lắng về phát triển quá nóng của thị trường nhà đất Đức cũng có vẻ quá sớm. Giống lương, giá bất động sản Đức đã trì trệ trong suốt hơn 10 năm, thậm chí trong bối cảnh giá nhà ở các quốc gia như Ireland và Tây Ban Nha tăng khá cao, trước khi bị rớt thê thảm.

Tuy nhiên, trong năm 2011 giá nhà đã tăng lên, lãi suất trong nước ở mức thấp nhất và việc mua nhà như một kênh trú ẩn an toàn từ nước ngoài đã khiến mức giá ở vài khu vực đô thị Đức tăng hai con số.

Tuy nhiên Alexander Koch, một đồng nghiệp của Ree ở Unicredit nhận định không có bằng chứng của một bong bóng nào. Trong "phong vũ biểu đo mức độ nóng của giá nhà" do Koch xây dựng, chỉ số tổng hợp 5 nhân tố thị trường đo lường trạng thái thái quá của thị trường từ mức 0 đến 5. Trong đó, 5 báo hiệu mức báo động cao nhất. Đức mới chỉ ở mức 1, thấp hơn Pháp và cùng mức với Italy và Anh.

Những nghiên cứu này không đủ đảm bảo cho các chuyên gia như Scheide của viện Kiel, những người tin rằng lãi suất thấp kéo dài hàng năm có thể tạo ra bong bóng bất động sản kiểu Tây Ban Nha ở Đức.

Scheide nói: " Chúng ta có thể thấy lạm phát 4 hay 5% ở Đức nếu lương và giá nhà vượt qua kiểm soát của chúng ta. Điều này có thể dẫn tới suy thoái. Đây là một bài kiểm tra thực sự khó với ECB".

Lần cuối cùng Đức có tỷ lệ lạm phát cao nhu vậy là vào những năm sau thống nhất 1990, khi một lượng tiền khổng lồ được bơm cho Đông Đức. Trong 15 năm qua, lạm phát hàng năm chỉ ở mức trung bình 1,5% và không bao giờ vượt quá 2,6%.

Đây có thể là mấu chốt của vấn đề, theo Holger Schimieding, kinh tế trưởng Ngân hàng Berenberg "Đức thường lạm phát ít hơn các láng giềng của mình. Giờ, do sức mạnh kinh tế của mình, Đức cần quen với việc lạm phát tăng lên".

Nguồn Reuters/DVT


Sự kiện