Ảnh: AA.
Đức thừa nhận chạm giới hạn về tiếp nhận người di cư
Chính phủ Đức đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc giải quyết vấn đề di cư khi số lượng người di cư trái phép vào nước này tăng mạnh trong những tháng gần đây.
Đảng đối lập chính của Đức, liên minh bảo thủ CDU/CSU, đã tiếp tục kêu gọi nâng mức trần 200.000 người tị nạn mà nước này tiếp nhận hàng năm.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) và Thủ hiến bang Bayern Söder cho biết nước này hoàn toàn không có khả năng tiếp nhận hơn 200.000 người tị nạn mỗi năm. “Chúng tôi giúp đỡ những người tị nạn, nhưng chúng tôi phản đối việc nhập cư không kiểm soát vào Đức”, ông Soder nói.
“Tại thời điểm này, chúng tôi đã đạt đến giới hạn của mình, việc tích hợp thực sự là không thể trong điều kiện hiện tại. Trên khắp đất nước, chính quyền địa phương khó có thể sắp xếp nhà ở, trường học và trung tâm giữ trẻ cho người tị nạn”, ông nói.
Ông Soder kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz giới hạn số người tị nạn ở mức 200.000 và cũng đề nghị chấm dứt các chương trình tiếp nhận người tị nạn đặc biệt của Đức, đồng thời khuyến khích người di cư bị từ chối đơn tị nạn nhanh chóng hồi hương
Con số không ngừng tăng
Khoảng 205.000 người di cư nộp đơn xin tị nạn ở Đức từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, đánh dấu mức tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà lập pháp cảnh báo rằng con số này có thể lên tới 400.000 vào cuối năm nay nếu chính phủ không thực hiện các biện pháp khẩn cấp. Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2016, khoảng 720.000 người, chủ yếu là người Syria và Iraq, đã nộp đơn xin tị nạn ở Đức.
Trong bối cảnh hiện tại, Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser hứa rằng, chính phủ sẽ tăng cường cảnh sát tuần tra tại các cửa khẩu biên giới để giảm tình trạng di cư bất thường và ngăn cản những kẻ buôn lậu người. Bà Faeser nhấn mạnh rằng vấn đề chỉ có thể được giải quyết bằng sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và bằng cách phát triển một cơ chế phân bổ công bằng những người xin tị nạn.
Điểm đến hàng đầu cho người di cư trái phép
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vẫn là điểm đến hàng đầu của những người di cư trái phép và những người xin tị nạn đến EU.
Hiện nay có khoảng 1 triệu người tị nạn Ukraine sống ở nước này. Theo số liệu chính thức, kể từ tháng 1, hơn 62.000 người Syria và 37.000 người Afghanistan đã nộp đơn xin tị nạn. Một phần vì những người chạy trốn khỏi chiến tranh và đàn áp chính trị ở đất nước của họ được quyền tị nạn hoặc được bảo vệ bổ sung ở Đức.
Trong những tháng gần đây, tình trạng vượt biên bất hợp pháp của người di cư kinh tế cũng gia tăng đáng kể, buộc chính phủ phải xem xét các biện pháp mới ở biên giới với Ba Lan và Cộng hòa Séc. Các nhà chức trách đã ghi nhận hơn 45.000 lượt nhập cảnh bất hợp pháp trong 6 tháng đầu năm nay, đánh dấu mức tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện tại, ước tính có khoảng 280.000 công dân nước ngoài ở Đức mà không có giấy phép cư trú hợp lệ và họ buộc phải rời khỏi đất nước. Gần một nửa trong số đó là những người di cư trái phép vì động cơ kinh tế, đơn xin tị nạn của họ bị từ chối.
Nhu cầu mì gói toàn cầu đạt kỷ lục mới, Việt Nam tiêu thụ nhiều thứ 4 thế giới
Nguồn AA News