Thứ Tư | 12/03/2014 10:37

Đức sẵn sàng cung cấp khí đốt cho Ukraine

Đức có thể đứng ra cung cấp khí đốt cho Ukraine trong trường hợp Gazprom cắt nguồn khí đốt chảy sang nước láng giềng này - Der Spiegel của Đức đưa tin.
Theo báo này, các công ty RWE và E.on của Đức hiện đang lên kế hoạch cung cấp khí đốt ngay lập tức cho Ukraine với khối lượng đủ dùng trong nhiều tuần. Trong trường hợp khẩn cấp, tức là khi Nga cắt cung cấp khí đốt, dòng khí chảy trong hệ thống của châu Âu sẽ được đảo ngược. Nghĩa là, khí đốt sẽ được bơm từ các bể chứa của Đức qua Cộng hòa Czech và Slovakia sang Ukraine.

Do mùa đông năm nay ít lạnh giá hơn mọi năm, các bể chứa khí đốt của Đức đang có mức tồn lớn hơn thường lệ. Thậm chí, xét ở thời điểm này, Đức có thể cung cấp khí đốt của Ukraine trong thời gian dài.

Trong cuộc đối đầu với phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine, Nga đã sử dụng đến khí đốt như một “con bài” để gây áp lực với Kiev và châu Âu. Trong mấy tuần gần đây, Gazprom đã vài lần dọa cắt cung cấp khí đốt và tăng giá bán khí đốt cho Ukraine trừ phi Kiev trả hết tiền nợ mua khí đốt. Trên thực tế, trong thời gian từ năm 2006 đến nay, Nga đã hai lần cắt cung cấp cho Ukraine nhằm tạo ảnh hưởng chính trị đối với Kiev.

Vào năm 2012, Ukraine đã ký thỏa thuận khung sơ bộ với công ty RWE của Đức về việc RWE có thể cung cấp khí đốt cho nước này. Đến nay, RWE đã cam kết cung cấp 10 tỷ feet khối khí đốt mỗi năm cho Ukraine nhằm làm đầy các bể chứa khí đốt của nước này trong mùa đông tới.

Mặc dù 35% nhu cầu khí đốt của Đức được đáp ứng bởi Nga, RWE tiếp nhận nguồn cung khí đốt từ Hà Lan và Nauy. Hiện tại, hơn một nửa lượng khí đốt mà Ukraine tiêu thụ hàng năm là do Nga cung cấp.

Trong một diễn biến khác liên quan tới tình hình Ukraine, hôm qua (11/3), Đức tuyên bố nếu Nga không thay đổi lập trường trong vấn đề Crimea trong thời gian đến hết tuần này, Moscow sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt gia tăng. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói, trừ phi cuộc trưng cầu ý dân Crimea dự định tổ chức vào ngày 16/3 về việc gia nhập Nga hay không được hủy bỏ, Liên minh châu Âu (EU) sẽ bàn các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Nga.

Tổng thống thân Nga bị lật đổ của Ukraine, ông Viktor Yanukovych, phát biểu trước báo giới tại Nga rằng, tình trạng vô luật pháp đang lan tràn ở Ukraine, và cáo buộc Chính phủ mới ở Kiev là “phát xít và chủ nghĩa dân tộc cực đoan”.

Trong khi đó, cũng trong ngày 11/3, Quốc hội Crimea đã thông qua "tuyên ngôn độc lập của nước Cộng hòa tự trị Crimea và thành phố Sevastopol” với tỷ lệ 78/81 nhà lập pháp có mặt bỏ phiếu thuận. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định tuyên bố độc lập khỏi Ukraine vừa được Quốc hội Crimea phê chuẩn là "hoàn toàn hợp pháp."

Theo hãng tin Bloomberg, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường tài chính không chỉ của nước này mà cả của Nga. Chỉ số RTS của thị trường chứng khoán Nga đã giảm 21,4% từ đầu năm đến nay, mạnh nhất trên thế giới. Cùng với đó, đồng Rúp của Nga mất giá 9,7%, mạnh thứ nhì trong số các đồng tiền của 24 thị trường mới nổi được Bloomberg theo dõi. Đồng Hryvnia của Ukraine mất giá 10,7%.

Hiện Chính phủ lâm thời của Ukraine đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cứu trợ để tránh vỡ nợ. Ngày 11/3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sẵn sàng cung cấp tới 3 tỷ USD vốn vay cho Kiev trong năm nay. Trước đó, Mỹ đã hứa cho Ukraine vay 1 tỷ USD, còn EU cam kết gói cứu trợ 15 tỷ USD.

Ngày 11/3, Ukraine đã bắt đầu tập trận để thử khả năng sẵn sàng chiến đấu. Lính bộ binh, xe tăng, pháo và các lực lượng tình báo quân đội nước này cùng tham gia tập trận ở vùng Kharkiv miền Đông Ukraine, nơi những người ủng hộ Nga đã tiến hành các cuộc biểu tình. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, ông Arsen Avakov tuyên bố, Ukraine có thể thành lập Lực lượng Quốc gia với hơn 20.000 lính để bảo vệ biên giới và đáp trả phi quân sự đối với các hành động gây bất ổn.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện