Ảnh: Getty Images.
Đức kêu gọi nhập cư để khắc phục nền kinh tế đang suy thoái
Chính phủ Đức đã cắt giảm dự báo kinh tế, cảnh báo rằng sản lượng sẽ giảm 0,4% trong năm nay, đồng thời thừa nhận nước này phải vượt qua “những thách thức cơ cấu lớn” bao gồm tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
Ông Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế kiêm Phó Thủ tướng của nước này, cho rằng triển vọng ảm đạm của nền kinh tế lớn nhất châu Âu là do cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra bởi chiến tranh giữa Nga - Ukraine, lãi suất tăng mạnh để giải quyết lạm phát và làm chậm thương mại toàn cầu. Đồng thời ông cũng kêu tăng số lượng người nhập cư có tay nghề để tăng cường lực lượng lao động đang già đi trong nước.
Ngày 11/10, ông cho biết: “Các công ty đang ráo riết tìm kiếm công nhân, các cơ sở kinh doanh thủ công phải từ chối đơn đặt hàng, còn các cửa hàng và nhà hàng phải hạn chế giờ mở cửa. Và vấn đề không phải là thiếu lao động lành nghề mà là thiếu lao động nói chung, ở mọi lĩnh vực”.
Ông nói thêm: “Cũng có những nguồn xung đột địa chính trị làm tăng thêm sự bất ổn. Do đó, chúng tôi đang thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chậm hơn dự kiến”.
Triển vọng kinh tế của Berlin đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi nước này dự báo vào mùa xuân rằng tổng sản phẩm quốc nội sẽ tăng 0,4% trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Habeck dự đoán rằng nền kinh tế sẽ hồi phục vào đầu năm, do tiền lương tăng và lạm phát giảm dự kiến thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình. Ông dự đoán lạm phát sẽ giảm từ 6,1% trong năm nay xuống còn 2,6% vào năm 2024.
Ông nói: “Con đường phục hồi kinh tế bền vững đã được ấn định, đồng thời dự báo mức tăng trưởng 1,3% trong năm tới và 1,5% vào năm 2025”.
Nền kinh tế Đức đã suy thoái hoặc trì trệ trong 9 tháng qua và IMF tuần này dự đoán đây sẽ là nền kinh tế lớn hoạt động kém nhất trong năm nay, với sản lượng giảm 0,5% trước khi quay trở lại mức tăng trưởng 0,9% vào năm 2024.
Cuộc tấn công toàn diện của Nga vào Ukraine đã tác động nặng nề đến Đức vì Berlin phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu và khí đốt giá rẻ từ Moscow. Điều này đã bị gián đoạn bởi chiến tranh, khiến giá năng lượng tăng vọt và thu hẹp cơ sở công nghiệp lớn của nước này.
Các nhà sản xuất tập trung vào xuất khẩu của Đức cũng phải chịu tình trạng thương mại chững lại với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Berlin, trong khi ngành xây dựng của nước này đang quay cuồng vì hàng loạt dự án bị hủy bỏ và mất khả năng thanh toán sau khi bị ảnh hưởng bởi chi phí tài chính và vật chất tăng cao.
Số liệu được công bố đầu tuần này cho thấy sản xuất công nghiệp ở Đức đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 8, làm giảm sản lượng của ngành hơn 2% so với một năm trước đó và 12% kể từ đầu năm 2018.
Có thể bạn quan tâm:
Bị Trung Quốc xa lánh, hải sản Nhật "bơi" sang thị trường Đông Nam Á
Nguồn FT