Đức hưởng lợi nhiều nhất từ gói cứu trợ Tây Ban Nha?
Trước năm 2008, các ngân hàng Đức được coi là những người cho vay hoang phí nhất châu Âu khi đổ tiền tiết kiệm của đất nước vào khu vực ngoại vi châu Âu hòng tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Theo Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), các ngân hàng Tây Ban Nha, đã vay mượn rất nhiều để bơm tiền cho bong bóng bất động sản, hiện còn nợ các đồng nghiệp Đức hơn 40 tỷ euro. Những ngân hàng này phải đối mặt với tổn thất nghiêm trọng khi hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Tuy nhiên, gói cứu trợ ngân hàng Tây Ban Nha - ban đầu được sự hỗ trợ từ những người đóng thuế Tây Ban Nha và sau này là Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) - sẽ giúp các chủ nợ không phải chịu bất cứ thiệt hại nào, đồng thời biến gói cứu trợ thành cánh cửa thoát hiểm hiệu quả đối với các nhà cho vay mạo hiểm của Đức.
Theo chuyên gia kinh tế châu Âu tại Nomura, Jens Sondergaard nhận định: "Hiện tại có rất nhiều quyết định chính trị cho người Đức. Gói giải cứu Tây Ban Nha cũng đồng thời là gói giải cứu dành cho các ngân hàng Đức. Trong khi các ngân hàng cho vay ở Tây Ban Nha được phép vỡ nợ thì sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng Đức sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường."
Đêm qua 2/7, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đồng ý cho phép ESM cho các ngân hàng vay trực tiếp với mục đích tái cơ cấu vốn. Mặc dù điều này đã phá vỡ chính sách cũ, trong đó quy định các khoản vay dành cho các ngân hàng phải thông qua chính phủ, song điều đó lại đẩy chi phí tài chính cho các ngân hàng, khiến Đức và các chủ nợ khác rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".
Theo dữ liệu từ BIS, trong số những chủ nợ châu Âu, Đức chính là người cho Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia vay nhiều nhất, với tổng nợ lên đến 323 tỷ euro vào cuối năm ngoái. BIS cho biết số nợ này rất ít thay đổi kể từ đó, những người cho vay không thể bán hoặc tự bảo hiểm các khoản vay này. Hiện các chủ nợ Đức nắm khoảng 113 tỷ euro nợ của các ngân hàng, các công ty và Chính phủ Tây Ban Nha, trong khi đó con số này ở Italia là 103 tỷ euro.
Các khoản vay mà Berlin dành cho khu vực ngoại vi châu Âu hiện tương đương 4% trong tổng số 7,3 nghìn tỷ euro tài sản của các ngân hàng Đức và gần bằng 1/8 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của đất nước.
Có lẽ chính vì quy mô quá lớn của các khoản cho vay mà Đức luôn khăng khăng chống lại bất kỳ điều gì có thể gây thiệt hại đối với khu vực tư nhân. Điều đó lý giải vì sao ban đầu Berlin có thái độ khá khó chịu với đề xuất giảm nợ cho Hy Lạp.
Theo nhà kinh tế tại Citygroup, ông Ebrahim Rahbari: "Đức từng kiên quyết chống lại việc tái cơ cấu vốn các ngân hàng trong nước khi Hy Lạp nhận được gói cứu trợ đầu tiên vào năm 2010. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tại Tây Ban Nha và Italia lại hoàn toàn khác về quy mô và độ lớn. Nhu cầu tái cơ cấu vốn không chỉ vô cùng cấp thiết mà còn có khả năng hạ gục các ngân hàng tư nhân hoặc thậm chí đánh đổ cả hệ thống ngân hàng Đức."
Nguồn IFRE/DVT