Thứ Hai | 23/07/2012 10:39

Đức hưởng lợi hàng tỷ euro từ khủng hoảng khu vực

Trong khi các nước trong khu vực phải vật lộn với khủng hoảng thì Đức lại tiết kiệm được hàng chục tỷ euro nhờ danh tiếng nơi trú ẩn an toàn.
Đức từ lâu đã được xem là một nơi trú ẩn an toàn đối với các nhà đầu tư bởi danh tiếng là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là nước đóng góp nhiều nhất cho các quỹ cứu trợ của khu vực đồng euro (eurozone) với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 2,6 nghìn tỷ euro (3,17 nghìn tỷ USD). Với kinh tế tăng trưởng đều đặn trong 2 năm qua và tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý là 0,5%, Đức đã giúp toàn bộ khu vực eurozone khỏi nguy cơ chìm sâu vào suy thoái trong quý I/2012.

Những tháng gần đây Đức bán hàng tỷ euro trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lợi suất khoảng 1,5%. Ngày 11/7, Đức đã bán đấu giá 5 tỷ euro (6,1 tỷ USD) trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lợi suất trung bình là âm 0,06 %.

Đức là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư
Đức là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư

Nói cách khác, các nhà đầu tư mất tiền và phải trả cho Đức một mức phí như một nơi trú ẩn an toàn cho các khoản tiền của họ. Đức cung cấp thanh toán các khoản nợ không có rủi ro, còn các khoản đầu tư an toàn khác không được cung cấp lãi suất cao.

"Lãi suất hiện thấp một cách bất bình thường" phản ánh "xu hướng không chắc chắn trong thị trường tài chính", Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble thừa nhận vào tháng trước.

Tuy nhiên, như một tác dụng phụ, xu hướng này lại có lợi cho Đức. "Đức đã tiết kiệm được khoảng 10 tỷ euro (12,5 tỷ USD) trong năm nay chỉ nhờ vào lãi suất thấp", nhà kinh tế Jens Boysen-Hogrefe thuộc Viện kinh tế Kiel của Đức cho biết.

Một số nhà phân tích lập luận rằng cuộc khủng hoảng khu vực eurozone đã giúp Đức hưởng lợi 100 tỷ euro (125 tỷ USD), giành cho chính phủ thêm nhiều thời gian để kích thích tiêu dùng, giảm gánh nặng nợ trong khi các nước khác đang phải đấu tranh chống lại nguy cơ rời bỏ khu vực.

So sánh lợi tức mà Đức phải thanh toán từ năm 2009 với giai đoạn 1999-2008, khi lãi suất phải trả cao hơn nhiều, nhà kinh tế Boysen-Hogrefe ước tính đến năm 2020 chính phủ Đức tiết kiệm được khoảng 68 tỷ euro nhờ vào các khoản nợ từ năm 2009.

"Nếu không có bất kỳ thảm họa lớn nào bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro, con số này sẽ sớm lên tới 3 chữ số", nhà kinh tế Boysen-Hogrefe nói thêm.

Theo ông Boysen-Hogrefe, nếu tính thêm khoản nợ của các chính quyền địa phương và thành phố, số tiền mà Đức tiết kiệm được nhờ lãi suất thấp vẫn cao hơn khoảng 50%, và vẫn ở ngưỡng trên 100 tỷ euro vào năm 2020.
Nhiều nước trong khu vực đang phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng
Nhiều nước trong khu vực đang phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng

Nhờ không phải trả lãi suất cao hơn trên các khoản nợ của mình, Đức có cơ hội cắt giảm thâm hụt ngân sách mà không phải thắt chặt chi tiêu hay áp dụng bất kỳ biện pháp thắt lưng buộc bụng nào mà các nước khác ở châu Âu đang phải thực hiện. Chính phủ Đức hy vọng sẽ cân bằng hoàn toàn ngân sách vào năm 2016 và bắt đầu giảm nợ 2 nghìn tỷ euro (2,5 tỷ USD), tương đương với 80% GDP.

Tuy được hưởng lợi từ khủng hoảng euro nhưng Đức cũng phải gánh vác những rủi ro to lớn. Nếu cuộc khủng hoảng ở eurozone leo thang, với một hoặc nhiều nước buộc phải rời khỏi khu vực, Đức sẽ phải bơm đến 300 tỷ euro - khoản tiền tương đương với ngân sách của chính phủ trong 1 năm - thông qua các khoảng vay và bảo lãnh cho các nước thành viên cũng như quỹ cứu trợ của khối.

Nguồn ABC News/Khampha


Sự kiện