Thứ Tư | 04/07/2012 19:16

Đức đang mất dần tầm ảnh hưởng ở châu Âu?

Trong khi giới lãnh đạo châu Âu cố gắng hợp tác và ngăn chặn eurozone sụp đổ, vẫn có rạn nứt giữa các quốc gia lớn, điển hình là Đức và Italia.
Có nhiều bằng chứng cho thấy Đức đang dần mất đi sức mạnh của mình trên chính trường châu Âu. Đức từ lâu vẫn kiên quyết phản đối các biện pháp hội nhập sâu rộng hơn. Trong khi đó, những nước lớn khác trong khu vực đồng euro (eurozone): điển hình là Pháp, Italia và Tây Ban Nha đều muốn hội nhập tài chính chặt chẽ hơn nữa.

Điều này đồng nghĩa eurozone - với tư cách là một thể thống nhất - sẽ giúp các thành viên đang ngập chìm trong khó khăn giải quyết được những vấn đề mà bản thân họ không thể đối phó, từ những khoản nợ vượt ngoài tầm chi trả của các chính phủ cho đến hệ thống ngân hàng yế kém.

Nếu khu vực ngân hàng Tây Ban Nha bị lung lay bởi bong bóng bất động sản, toàn bộ châu Âu sẽ nhảy vào cuộc để giải quyết tình hình, tương tự như khi Mỹ giải cứu các ngân hàng bang Texas sau cuộc khủng hoảng tiết kiệm vào cho vay trong thập niên 1980.

Đức, về phần mình, lại tỏ ra chống đối những đề xuất hội nhập này. Một phần là do những đề nghị này về cơ bản yêu cầu các quốc gia châu Âu giàu có hơn - điển hình là Đức - phải trợ cấp cho những nước nghèo hơn. Thủ tướng Đức Angela Merkel từ lâu khẳng định rằng các quốc gia nghèo nên thực hiện cải cách chính trị trước khi thực hiện những bước hội nhập này. Đức cũng yêu cầu các quan chức châu Âu nên giám sát chặt chẽ hơn các quốc gia như Tây Ban Nha và Italia, để đảm bảo rằng họ không chi tiêu quá nhiều hoặc cho phép các ngân hàng của họ tự do hành động.

Nhưng sau Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vừa qua, có nhiều dấu hiện cho thấy Đức đang dần thất thế trong cuộc đấu khẩu này.

Tại Hội nghị Hội đồng châu Âu (EC) ở Brussels, Thủ tướng Italia Mario Monti đã thực sự tạo nên một cơn địa chấn khi tuyên bố ông không chấp nhận hiệp ước tăng trưởng nếu những người đứng đầu các nước và chính phủ châu Âu không làm gì để hạn ch. Và dĩ nhiên Italia không phải là nước duy nhất tuyên bố như vậy. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cũng gật đầu ủng hộ người đồng nhiệm Italia của mình.

Theo tờ Der Spiegel, bất chấp sự giận dữ từ Thủ tướng Angela Merkel và Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt, ông Monti vẫn kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình và cho rằng việc gây thêm căng thẳng sẽ chẳng thay đổi được bất cứ điều gì và thị trường đang chờ đợi câu trả lời từ nước Đức của bà Merkel.

Và sự kiên quyết của ông Monti đã được đền đáp xứng đáng. Chưa đầy 10 tiếng sau đó, bà Merkel lên tiếng nhượng bộ và chấp nhận những điều kiện của Italia mà trước đó bà vẫn kiên quyết phản đối. Sự nhượng bộ của bà Merkel cho thấy nước Đức đã không còn đủ sức mạnh để áp đặt lên các quốc gia châu Âu như trước đây.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đồng ý sử dụng quỹ giải cứu của eurozone, có sự đóng góp của nhiều quốc gia song chủ yếu vẫn là Đức, để hỗ trợ cho Tây Ban Nha và Italia và không kèm theo bất cứ điều kiện hà khắc hay các biện pháp thắt lưng buộc bụng nào như ở Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Mặc dù xét ở góc độ nào đó, Đức đã không từ bỏ mọi quyền phủ quyết của mình, nhưng cán cân quyền lực của châu Âu đã thay đổi. Giờ câu hỏi tiếp theo là: Liệu eurozone có cứu được chính mình hay không?

Nguồn WSJ/DVT


Sự kiện