Thứ Ba | 15/01/2013 11:56

Đức có thể tránh được nguy cơ suy thoái kinh tế

Bất chấp những tác động tiêu cực từ khủng hoảng, giới phân tích tin rằng những khó khăn kinh tế mà Đức gặp phải sẽ chỉ mang tính tạm thời.
Trong một thời gian dài, nền kinh tế Đức đã có khả năng “miễn dịch” với sự bất ổn về kinh tế tài chính vốn tác động mạnh tới nhiều nước láng giềng của họ, nhờ những cải cách cơ cấu khắc nghiệt mà nước này đã thực hiện trong những năm trước đó.

Tuy nhiên, nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu này bắt đầu chịu tác động từ cơn bão nợ công sau khi chính phủ công bố một loạt các số liệu kinh tế hồi cuối năm 2012.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Mario Draghi hồi tháng 11/2012 nhận xét: "Đức là một nền kinh tế mở và hội nhập, bởi vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi tình trạng suy thoái kinh tế tại khu vực đồng tiền chung châu Âu lan sang nước này.”

Báo cáo hàng tháng mới nhất của Bộ kinh tế Đức, vừa công bố cuối tuần trước, cũng đưa ra nhận định tương tự và nói: "Môi trường quốc tế khó khăn là một gánh nặng lớn đối với kinh tế Đức," với sự bất ổn chủ yếu bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng euro (eurozone) và các yếu tố khác như vấn đề ngân sách tại Mỹ.

Tình hình trên cùng với nhu cầu suy yếu đối với hàng hóa xuất khẩu của Đức cũng tác động tiêu cực tới kế hoạch đầu tư của các công ty, qua đó ảnh hưởng tới sức tăng trưởng kinh tế của nước này năm vừa qua. Đáng chú ý là sản lượng kinh tế của Đức đã sụt giảm đáng kể trong quý IV/2012”.

Nhịp độ tăng trưởng kinh tế Đức đã đi xuống trong cả năm ngoái, từ mức tăng 0,5% trong ba tháng đầu năm, xuống còn 0,3% trong quý II/2012 và 0,2% vào quý III. Dự kiến số liệu về tăng trưởng GDP của Đức trong quý IV/2012 sẽ được công bố chính thức trong tuần này.

Bộ trưởng kinh tế Đức, Philipp Roesler đã cảnh báo về khả năng tăng trưởng GDP trong cả năm 2012 của nước này thấp hơn mức trông đợi, với mức tăng ước tính chỉ là 0,75%.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế tin tưởng rằng tình hình suy giảm kinh tế này sẽ không lặp lại trong quý đầu tiên của năm 2013. Điều đó có nghĩa là Đức sẽ tránh khỏi nguy cơ suy thoái kinh tế.

Viện nghiên cứu DIW của Đức cho biết: "Triển vọng của kinh tế Đức có thể sẽ sáng sủa hơn. Nhìn chung, nền kinh tế hàng đầu châu Âu vẫn rất cạnh tranh và có sức đề kháng tốt," với tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang ở gần mức thấp kỷ lục sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trong nước. Thêm vào đó, nhu cầu đối với hàng hoá xuất khẩu của Đức vẫn còn khá mạnh tại các thị trường bên ngoài Eurozone, qua đó sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu của nước này trong thời gian tới.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện