Thứ Hai | 06/04/2015 11:59

Dự trữ ngoại hối giảm- Điềm báo cho thị trường mới nổi

Sau 10 năm tăng liên tiếp, dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương toàn cầu đang có xu hướng giảm dần.

10 năm qua, dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới trung bình tăng thêm 824 tỷ USD/năm, theo số liệu của Bloomberg.

Tuy nhiên, tổng dự trữ ngoại tệ toàn cầu tháng 3/2015 giảm xuống 11,6 nghìn tỷ USD từ mức kỷ lục 12,03 nghìn tỷ USD tháng 8/2014 (gấp 5 lần số liệu của năm 2004).

Trong đó, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc và các nước sản xuất hàng hóa giảm mạnh nhất do các NHTW bán USD để bù lại dòng vốn chảy ra và đẩy giá nội tệ lên.

Trung Quốc cắt giảm dự trữ ngoại hối xuống 3,8 nghìn tỷ USD trong tháng 12/2014 từ đỉnh 4 nghìn tỷ USD hồi tháng 6/2014. Dự trữ ngoại tệ của Nga cũng giảm 25% trong năm 2014 xuống 361 tỷ USD trong tháng 3. Saudi Arabia - nước dự trữ ngoại tệ lớn thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Nhật Bản - cũng "đốt" 10 tỷ USD trong kho dự trữ kể từ tháng 8/2014.

Nếu không điều chỉnh theo những biến động về tỷ giá, Credit Suisse ước tính, các nền kinh tế đang phát triển - nắm giữ 2/3 tổng dự trữ toàn cầu - đã chi ròng 54 tỷ USD trong quý IV/2014.

Xét theo đồng tiền dự trữ, euro giảm và chỉ chiếm 22% trong tổng dự trữ ngoại tệ toàn cầu năm 2014 - thấp nhất kể từ năm 2002. Trong khi đó, USD chiếm 63% trong cùng kỳ - cao nhất 5 năm qua, theo số liệu của IMF.

Theo Bloomberg, dự trữ ngoại tệ toàn cầu giảm một phần do USD tăng giá quá mạnh, kéo giảm giá trị của các đồng tiền dự trữ khác như euro. Một phần nguyên nhân khác là các NHTW chủ động chuyển đổi hình thức dự trữ.

Không chỉ là dấu hiệu cho thấy sự thống trị trở lại của USD trong thế giới tiền tệ, dự trữ ngoại tệ giảm cũng là điềm báo cho các thị trường toàn cầu. Khối thị trường mới nổi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi tìm cách tăng nguồn cung vốn trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Euro sẽ tiếp tục chịu áp lực suy yếu trong khi nhu cầu đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ cũng có thể giảm mạnh.

Cựu chuyên gia kinh tế của IMF Stephen Jen nhận định: "Đây là một thách thức lớn đối với khối thị trường mới nổi. Họ cần phải tăng cường kích thích".

Deutsche Bank dự đoán rằng, dự trữ ngoại hối toàn cầu sẽ tiếp tục giảm do giá dầu vẫn ở mức thấp và tăng trưởng tại khối thị trường mới nổi còn yếu ớt.  

Nguồn DVO/ Bloomberg