Dự luật mới gây phẫn nộ trong dư luận Thái Lan
Dự luật này, được đề xuất bởi đảng PTP của ông Thaksin, dễ dàng được Hạ viện thông qua trong ngày thứ 6 tuần trước.
Nếu được ban hành, dự luật ân xá có thể cho phép gia đình ông lấy lại một phần tài sản đã bị tòa án phong tỏa vào năm 2010 do cáo buộc có được từ ảnh hưởng chính trị. Ngoài ra, dự luật này cũng sẽ cho phép xóa bỏ nhiều cáo buộc khác được chính quyền quân đội đưa ra, bao gồm việc cho chính phủ Myanmar vay nhằm đạt được nhiều điều kiện có lợi cho công ty viễn thông của gia đình ông.
“Không nơi nào khác trên thế giới có thể xảy ra những chuyện như thế này”, ông Abhisit Vejjajiva, cựu thủ tướng đồng thời là lãnh đao của đảng dân chủ đối lập, đã phát biểu trước hàng ngàn người biểu tình tập trung tại Bangkok vào thứ Bảy. “Chính phủ đang nói rằng dù bạn có tham nhũng đi chăng nữa, đó cũng sẽ không phải là tội và bạn sẽ không bao giờ bị xét xử”.
Sau 3 năm tương đối ổn định về chính trị, giờ đây những tranh cãi xung quanh dự luật này có thể đưa Thái Lan về tình trạng rối loạn như những ngày sau cuộc đảo chính năm 2006.
Có lẽ đáng lo ngại nhất đối với Dự luật ân xá không phải là những chiến dịch phản đối của phe đối lập, mà là sự chỉ trích dữ dội đến từ phía dân chúng. Những tờ báo từng thông cảm với ông Thaksin và chính phủ cũng phản đối mãnh liệt đối với dự luật ân xá, góp phần làm tăng thêm sự nhất trí cao độ trong các phương tiện truyền thông trên Thái Lan. Những thành viên thuộc phong trào giúp đảng PTP lấy lai quyền lực trong cuộc bầu cử tháng 6/2011 cũng cực lực phản đối dự luật mới.
Nhiều nhân vật đóng vai trò lãnh đạo trong phong trào áo đỏ - những người đã phong tỏa Bangkok ba năm trước để ủng hộ cựu thủ tướng, cũng rất bất bình trước dự luật mới, đặc biệt là điều luật ân xá cho những người đã ra lệnh cho quân đội nổ súng vào phong trào này.
Trả lời phỏng vấn, lãnh tụ của UDD tại Bangkok, ông Sombat Boonngamanong cho biết, đảng Pheu Thai của ông Thaksin đang lợi dụng “thời khắc hỗn loạn này” để đưa những trường hợp tham nhũng vào dự luật ân xá.
“Thật đáng xấu hổ”, ông Sombat cho hay “Không thể tin nổi rằng Pheu Thai lại có thể trơ trẽn đến mức làm những việc như thế.”
Để được thông qua, dự luật ân xá cần có sự phê chuẩn của Thượng viện Thái Lan cùng với nhà vua, và ngoài ra, nó cần phải xóa bỏ được những thách thức về mặt luật pháp.
Nhưng cho dù không được ban hành đi chăng nữa, dự luật này đã gây tổn thương nghiêm trọng đến bộ máy chính trị hết sức mạnh mẽ của cựu thủ tướng Thaksin.
Nuttawut Saikua, lãnh đạo thuộc phe “áo đỏ” đồng thời là một thành viên trong Nghị viện, cho biết những người ủng hộ ông Thaksin đang “hết sức suy sụp”.
Về phía mình, ông Thaksin cho rằng, dự luật này sẽ đem lại một khởi đầu mới cho đất nước Thái lan. “Chúng ta cần quay lại con số không để tiến lên phía trước”, cựu thủ tướng trả lời phỏng vấn của Post Today, một tờ báo dùng ngôn ngữ thái.
Trong khi đó, con trai ông Thaksin, Panthongtae Shinawatra, đã lên tiếng chỉ trích dự luật trên Facebook vào tuần trước. Ông Panthongtae, người được công chúng đặt niềm tin vào 1 sự nghiệp chính trị vững chắc, đã tuyên bố rằng ông muốn cha mình được trở về nước “hơn bất cứ điều gì” nhưng ông cùng 2 người chị sẽ phản đối “sự ân xá đầy bao biện” như thế, đặc biệt là cho những “kẻ đã thảm sát” người biểu tình năm vào năm 2010.
Nguồn CNBC