Dư luận thế giới về kết quả bầu cử Tổng thống Iran
Trong tuyên bố đầu tiên sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, hôm 15/6, Tổng thống đắc cử Iran Hassan Rowhani cho biết, việc ông đắc cử là "chiến thắng của chủ nghĩa ôn hòa trước chủ nghĩa cực đoan", đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đối xử với Iran bằng sự tôn trọng và công nhận các quyền của nước này nếu muốn nhận được phản hồi thích hợp.
Phát biểu trên truyền hình, ông Rowhani cũng khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo Iran và các cường quốc sẽ có thể "mở rộng quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau" và "thiết lập nền hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới và trong khu vực".
Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Seyyed Ali Khamenei cũng đã chúc mừng toàn thể người dân nước này và Tổng thống đắc cử Rowhani. Trong một thông điệp phát đi hôm qua, ông Khamenei nói: “Chiến thắng của ông Rowhani là chiến thắng của đất nước chúng ta. Cuộc bầu cử đã làm thất bại những âm mưu đen tối của các thế lực thù địch chống lại Iran. Giờ đây là lúc hợp tác và thân thiện thay thế sự cạnh tranh trong những ngày qua. Vận mệnh và hạnh phúc giờ đây đang nằm trong tay của tất cả các bên”.
Sau khi ông Rowhani đắc cử Tổng thống Iran, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã gửi lời chúc mừng nồng ấm tới ông Rowhani, đồng thời hối thúc Tehran có vai trò "xây dựng" trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cũng bày tỏ hài lòng về tỷ lệ tham gia bầu cử cao, tới 72,7%, ở quốc gia Hồi giáo này.
Cùng ngày, Mỹ bày tỏ hy vọng chính phủ mới ở Iran sẽ thực thi ý nguyện của người dân và đưa ra những lựa chọn mang tính trách nhiệm nhằm tạo ra một tương lai tốt hơn cho mọi người dân nước này. Washington tuyên bố sẵn sàng tham gia đàm phán trực tiếp với Chính phủ Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này nhằm đạt được "một giải pháp ngoại giao giải quyết hoàn toàn quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran".
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry cho rằng, ông Rowahni bây giờ có cơ hội để giữ lời hứa của mình để người dân Iran "khôi phục và mở rộng quyền tự do cho tất cả người Iran".
Phản ứng về kết quả bầu cử tổng thống Iran, Pháp tuyên bố "sẵn sàng làm việc" với ông Rowhani về các vấn đề từ tham vọng hạt nhân của Tehran đến cuộc xung đột Syria, trong khi Anh kêu gọi Tổng thống đắc cử Rowhani đưa nước Cộng hòa Hồi giáo đi trên "con đường khác trong tương lai". Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle hoan nghênh việc bầu chọn ông Rowhani làm tân Tổng thống là một cuộc bầu cử vì cải cách và một "chính sách đối ngoại xây dựng".
Từ Brussels, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, bà Catherine Ashton cho biết, EU cam kết hợp tác với Tổng thống đắc cử Iran nhằm tìm kiếm một giải pháp cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Còn đối với các nhà phân tích chính trị, nhân vật ôn hòa Rowhani đắc cử tổng thống sẽ mở ra cánh cửa cho cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và phương Tây. Ông Salamatian, chuyên gia Văn phòng phân tích Iran có trụ sở tại Paris và cũng là cựu thành viên Quốc hội Iran nói: “Các nhà đàm phán quốc tế luôn muốn tìm kiếm về một sự đồng thuận đối với chương trình hạt nhân của Iran giờ đây đã có một hy vọng. Tôi hy vọng rằng, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và châu Âu hiểu rằng đây là cơ hội thích hợp nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán với Iran để giải quyết vấn đề hạt nhân. Tôi cũng hy vọng các nhà cầm quyền Iran hiểu được điều này”.
Cuộc bầu cử vừa qua là cuộc bầu cử Tổng thống Iran đầu tiên kể từ khi ông Ahmadinejad tái đắc cử trong cuộc bầu cử gây tranh cãi vào năm 2009.
Là một Tổng thống dân cử, ông Rowhani sẽ chuẩn bị đối phó với một nền kinh tế đang gặp khó khăn vì tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cao và bị tê liệt vì những chế tài quốc tế về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Giới phân tích bình luận, cho dù bất cứ ai lên làm Tổng thống Iran, quan hệ giữa Iran với các nước phương Tây sẽ không thay đổi.
Nguồn VOV