Thứ Hai | 27/08/2012 22:52

Du lịch Thái Lan nhìn từ các trạm xăng

Du lịch là một trong những thế mạnh của Thái Lan và mỗi năm ngành công nghiệp "không khói" mang lại nguồn thu chiếm 6,5% GDP cho nước này.
Năm 2011, dù phải gánh chịu trận lụt khủng khiếp nhất trong vòng 50 năm qua với 3/4 diện tích quốc gia bị ngập lụt, song doanh thu của ngành du lịch vẫn đạt mức cao kỷ lục 734,59 tỷ baht (tương đương với khoảng 23,08 tỷ USD), tăng 23,92% so với năm 2010. Trong năm này, Thái Lan đã tiếp đón được 19,09 triệu lượt khách, tăng 19,8% so với năm 2010.

Để có được kết quả như vậy, Thái Lan đã tiến hành nhiều giải pháp tích cực nhằm phục hồi thị trường du lịch sau đợt lũ lụt. Điều đó đã giúp cho ngành đu lịch nước này bứt phá ngoạn mục. Điều đáng chú ý, góp phần lớn vào sự đảo nghịch thành công của du lịch Thái Lan là lượng khách tới từ các quốc gia châu Á. Con số du khách châu Á chiếm 66,6%, tăng 8,74% so với cùng kỳ.

Theo thống kê, trong số 5 quốc gia có hơn một triệu lượt khách du lịch Thái Lan thì có hơn một nửa là các nước châu Á. Trong đó nhiều nhất là du khách đến từ Malaysia với 2,47 triệu lượt khách, tiếp đến là Trung Quốc với 1,76 triệu lượt, Nhật Bản 1,12 triệu lượt. Nhiều du khách các nước như Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Lào, Australia, Anh và Mỹ cũng chọn Thái Lan làm điểm đến.

Tiếp nối sự thành công của năm 2011, Tổng cục du lịch Thái Lan (TAT) đã đưa ra chương trình quảng bá cho năm 2012 là "Năm phép lạ" nhằm thu hút 20,5 triệu khách quốc tế. Và phép lạ đang thực sự xảy ra. 6 tháng đầu năm nay, Thái Lan đã thu hút được gần 10,5 triệu khách, tăng 7,16% so với cùng kỳ năm 2011. Nhiều chuyên gia dự tính Thái Lan sẽ dễ dàng vượt qua mục tiêu trên.

Chưa hết, một thông tin cũng rất đáng chú ý khác về ngành du lịch nước này là vào giữa tháng 7 vừa qua, cơ quan TAT đã nhanh chân công bố kế hoạch hành động du lịch của năm 2013 kế tiếp, với mục tiêu hướng tới là đạt được 22,22 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Thái Lan nghỉ ngơi, giải trí, mua sắm cùng với khoảng 107,4 triệu lượt người Thái Lan đi du lịch trong nước.

Có thể thấy, kế hoạch du lịch hàng năm của Thái Lan đều có sự nâng lên về mục tiêu lượng khách lữ hành quốc tế, bất chấp tình hình kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng bất lợi tới du lịch toàn cầu. Điều này tưởng như cho thấy Thái Lan tự tin quá mức về ngành công nghiệp không khói của họ, nhưng thực tế cách làm du lịch kiểu "toàn dân" của Thái Lan rất đáng nể.

Không chỉ tại các điểm du lịch hay trung tâm mua sắm ở những thành phố lớn như Bangkok, Hat Yai, Pattaya, khách lữ hành mới phải "móc ví" chi tiêu và đóng góp vào tăng trưởng của du lịch Thái Lan, mà ngay trên các con đường huyết mạch của quốc gia này, ngay ở những trạm bán xăng, dầu cũng đều có các dịch vụ đi kèm đầy hấp dẫn khiến khách không thể không dừng bước.

Trên các con đường quốc lộ dài đằng đẵng nối liền Thái Lan với các nước Đông Nam Á khác trong hành trình diễu hành đường trường xuyên Trung Quốc - ASEAN (CAITA 2012), khách du lịch không cần phải chờ tới các điểm du lịch hay trung tâm mua sắm lớn mới "được" tiêu tiền, mà có thể móc ví ngay ở những trạm bán xăng, dầu.

Hầu hết các trạm xăng, dầu trên các con đường ở Thái Lan đều là một tổ hợp gồm nhiều dịch vụ khác nhau. Bãi đỗ xe rộng rãi, đủ chỗ cho nhiều loại xe đậu cùng lúc. Ngay bên hông trạm xăng luôn có một siêu thị mở cửa 24/24 giờ. Khách du lịch có thể dừng chân ở đây mua cho mình chai nước hay chiếc bánh mì lót dạ. Nước nóng miễn phí luôn có sẵn cho khách thích cafe hay mì hộp.

Sang trọng hơn, khách có thể chọn nhà hàng bên cạnh siêu thị, có sức chứa vài chục tới cả trăm khách. Những quán cafe với phong cách thiết kế hiện đại không thua kém gì ở các thành phố lớn, có thể mang lại cho khách du lịch những phút thư giãn dễ chịu. Ngoài ra, tại những trạm bán xăng, dầu này còn có nhiều dịch vụ nhỏ lẻ khác như cân điện tử phải trả phí, thú nhún cho trẻ em vui chơi...

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý hơn cả là người Thái Lan đã rất khôn khéo khi lồng vào giữa các trạm bán xăng, dầu đơn điệu và nóng bức là những cụm cây cảnh được tỉa tót công phu. Đến Thái Lan vào khoảng tháng 7, tháng 8, giữa cái ánh nắng chói chang, những trạm bán xăng, dầu trông giống như ốc đảo xanh mát, buộc khách lữ hành dù không có nhu cầu tiếp liệu cũng muốn dừng chân.

Và một điều không thể thiếu, đó là những khu vệ sinh rộng rãi, miễn phí và luôn được lau dọn sạch sẽ. Các siêu thị, nhà hàng, quán cafe ở các trạm xăng, dầu tại Thái Lan luôn mang cùng một phong cách thiết kế, riêng khu vực nhà vệ sinh thì mỗi nơi một kiểu khác nhau, nhưng tựu chung chúng đều rất sạch sẽ và có khả năng "tiếp đón" được nhiều khách cùng lúc.

Trở ngược lại hành trình của CAITA ở Lào, Việt Nam, Trung Quốc trước khi tới Thái Lan, hầu hết trạm xăng, dầu có vẻ rất đơn điệu và luôn thiếu chỗ để khách du lịch "xả hơi". Những dịch vụ như vậy đã mang lại ấn tượng không nhỏ cho khách du lịch nước ngoài khi tới quốc gia Đông Nam Á này.

Hồi tháng 7 vừa qua, Tổng cục trưởng TAT, ông Suraphon Svetasreni, đã đưa ra nhận định rằng, "du lịch tạo ra nhiều việc làm ổn định, là nguồn phân phối thu nhập cho rất nhiều ngành công nghiệp khác, cho toàn xã hội, đồng thời còn là nguồn thu ngoại tệ rất mạnh". Với thành tựu của ngành du lịch Thái Lan, thì câu chuyện dịch vụ tổ hợp tại các trạm bán xăng, dầu là điều rất đáng lưu tâm.

Dưới đây là một số hình ảnh về những trạm bán xăng, dầu ở Thái Lan.


Toàn cảnh một trạm bán xăng, dầu trên các con đường ở Thái Lan.












Nguồn VnEconomy


Sự kiện