Trước chiến tranh, điều đầu tiên mọi người nghĩ tới khi nhắc tới Nga là rượu vodka, gấu, búp bê Matryoshka,... Ảnh: Getty Images.
Du lịch đã thay đổi như thế nào đối với người Nga?
Với xu hướng “bài trừ Nga” đang gia tăng, du khách Nga không khỏi quan ngại về cách họ bị đối xử khi đi du lịch và lo lắng khi mọi người hỏi họ đến từ đâu.
Bà Julia Azarova, một nhà báo độc lập, cho biết đã rời Nga và đến Istanbul cách đây một năm, sau khi cuộc chiến với Ukraine bắt đầu. Hiện, đang định cư ở Litva.
Kể từ đó, bà Azarova đã đến Latvia hai lần nhưng không thể đến Ukraine để thăm người thân. Bà cho biết những người bạn Nga của bà cũng gặp khó khăn tương tự khi muốn vào Ba Lan, trong khi các đồng nghiệp thì bị ngăn không cho vào Georgia. Theo bà, đây có lẽ là lập trường của các quốc gia khác trước cuộc tấn công Ukraine của Tổng thống Putin.
Trong khi đó, bà Anna (đã được đổi tên), lại gặp phải vấn đề ngược lại. Bà hiện đang sinh sống tại Moscow và không biết khi nào có thể rời Nga lần nữa. “Thông thường, tôi sẽ đến thăm một đến hai quốc gia mỗi năm. Nhưng giờ đây đi du lịch đâu đó ở nước ngoài dường như là một điều không tưởng và không thể.”, bà nói.
Bà cho biết, việc đi lại, đặc biệt là vé máy bay rất đắt đỏ. Ngoài ra, “Thẻ tín dụng của Nga bị chặn ở hầu hết mọi nơi và việc mua ngoại tệ ở Nga rất khó khăn.”
Khi nói về thời điểm du lịch nước ngoài lần nữa, bà nói: “Có lẽ là khi chiến tranh kết thúc.”
Một du khách người Nga khác, bà Lana, đang sống ở châu Á, dự định về thăm quê nhà vào mùa hè năm ngoái, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu. Nhưng bà đã phải hủy chuyến đi khi cuộc chiến bắt đầu vì đóng cửa biên giới và các chuyến bay bị hủy, mặc cho cha mẹ bà đã không gặp con trong nhiều năm.
Thay vì trở về nhà, bà Lana đã đi du lịch vòng quanh châu Á, đến những nơi như Thái Lan và Nhật Bản.
Bà Lana nói: “Thật khó để ra nước ngoài và gặp gỡ những người mới khi cứ vướng bận suy nghĩ rằng mình là người Nga và mọi người sẽ phản ứng thế nào với điều đó.”.
“Hồi đó, khi bạn nói "Tôi đến từ Nga", điều đầu tiên mọi người nhắc đến là rượu vodka, gấu, búp bê Matryoshka, và tất cả những thứ tương tự” bà nói. “Bạn sẽ có cảm giác kiểu: Vâng, tôi đến từ Nga thật tuyệt.”, bà cho biết thêm.
Nhưng giờ đây thì khác. Những lần đi du lịch, bà đều chuẩn bị tinh thần cho những bình luận tiêu cực. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có ai nói vậy. Thay vào đó, mọi người đã dành những lời cảm thông và quan tâm, bà cho biết.
Nhưng bà Lana có thể là một trong số những người may mắn, khi mà làn sóng giận dữ đối với Nga đã bao trùm khắp nơi trên thế giới, từ châu Âu đến Mỹ.
Còn bà Anna cho rằng đôi khi người ta thường đánh đồng một quốc gia, chính phủ, và người dân. Nhưng ví dụ như người Mỹ, đâu phải ai cũng ủng hộ ông Donald Trump, và người Nga cũng thế thôi, bà nói.
Cá nhân bà Anna đã phải trải qua “định kiến và sự kỳ thị đối với người Nga,” trích dẫn trải nghiệm của bà tại các nhà hàng Ba Lan, nơi nhân viên từ chối phục vụ sau khi phát hiện ra cuốn sách hướng dẫn du lịch bằng tiếng Nga của bà. Sau đó, bà bắt đầu che giấu quốc tịch của mình nhiều hơn.
Bà Azarova cũng đồng ý rằng thật khó để gặp gỡ người nước ngoài, đặc biệt là khi phải vật lộn với cảm giác “tội lỗi” của chính mình.
“Bạn biết rằng cá nhân bạn không làm gì sai, nhưng không thể loại bỏ những suy nghĩ bất an đó”, bà nói.
Kể từ khi rời Nga, bà Azarova cho biết không gặp bất kỳ mâu thuẫn nào liên quan đến quốc tịch của mình. Tuy nhiên, giống như Anna, bà thường cảm thấy cần phải nhanh chóng nói ra cảm nhận của mình về cuộc chiến.
Bà cho rằng việc giao tiếp với người nước ngoài phần nào cũng giúp ích, vì bà biết được người khác không đổ lỗi cho bà vì cuộc chiến. Bây giờ bà không còn sợ nói mình là người Nga nữa, vì nếu không chấp nhận quốc tịch của mình bà cũng không thể làm gì khác.
Có thể bạn quan tâm:
Chứng khoán đang kém hấp dẫn nhất trong vòng 16 năm
Nguồn CNBC