Hiện tại, ngành du lịch đang chiếm khoảng 6% GDP Iceland. Ảnh: Fortune.
Du lịch bùng nổ, Iceland gặp áp lực nhà ở
Với những ngọn núi hùng vĩ, các khu suối nước nóng và cảnh Cực Quang huyền bí ở vùng Bắc Cực, Iceland trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất thế giới. Quốc gia này thu hút lượng lớn khách du lịch trong thời gian qua.
Tuy nhiên, tương tự các điểm du lịch nổi tiếng khác, Iceland dường như rơi vào cái bẫy bất động sản khi hàng loạt dự án khách sạn, nhà hàng, resort đang dần mọc lên, chiếm phần lớn diện tích đất ở của người dân, dẫn đến tình trạng giá nhà tăng cao.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Iceland đã tăng 146% trong khoảng từ năm 2021-2022, theo Bloomberg.
Mặc dù ngành du lịch bùng nổ có thể kích thích nền kinh tế tăng trưởng, tạo cơ hội việc làm và mang lại thu nhập cho lao động trong nước, nhưng đồng thời cũng gây sức ép lên thị trường nhà ở.
Hiện tại, ngành du lịch đang chiếm khoảng 6% GDP Iceland và đang tăng trưởng mạnh mẽ, qua đó nhu cầu về lao động ở các khách sạn, resort và nhà hàng cũng nhiều hơn. Các lao động nhập cư đổ về quốc gia này để làm việc trong ngành du lịch cũng tăng lên, càng khiến nhu cầu nhà ở lớn hơn.
Báo cáo chính thức của Iceland hồi tháng 1/2023 cho thấy tổng dân số nước này đã tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1734. Kết quả là người dân hiện tại phải sống trong những căn hộ ngày càng nhỏ, giá nhà đắt đỏ hơn, xa trung tâm hơn và điều kiện vật chất kém hơn.
Sự bùng nổ của dịch vụ cho thuê nhà làm du lịch kiểu Airbnb nhằm đáp ứng lượng khách du lịch ngày càng tăng khiến người dân địa phương không còn nhiều lựa chọn nhà ở như trước, theo Bloomberg. Số lượng giấy phép làm nhà lưu trú cho khách du lịch tại Iceland trong năm 2023 cũng tăng 70% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng trước tình hình nhà ở khan hiếm, chính phủ Iceland đã triển khai chương trình nới lỏng chính sách xây dựng, nhằm tạo thêm 4.000 căn hộ mỗi năm trong giai đoạn 5 năm tới, bắt đầu từ năm 2023. Tuy nhiên, chương trình đã không thể hoàn thành mục tiêu khi gặp khó khăn về nguồn vốn trong bối cảnh lãi suất cao lên đến 9,25%, mức cao hơn nhiều so với nhiều quốc gia châu Âu.
“Du lịch bùng nổ đã thúc đẩy lạm phát và gây ảnh hưởng đến người lao động”, ông Finnbjorn A. Hermannsson, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Iceland, thừa nhận.
Trên thực tế, câu chuyện phải lựa chọn giữa đáp ứng nhu cầu khách du lịch hay giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân tại Iceland không phải điều gì mới lạ.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nền kinh tế Iceland đã phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch để có thể giữ được tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp mà vẫn duy trì tăng trưởng. Thêm vào đó, những bộ phim có nhiều cảnh quay ở Iceland như “Trò chơi vương quyền” (Game of Thrones) đã góp phần vào sự phát triển ngành du lịch Iceland, thu hút nhiều khách du lịch đến đây để tận mắt chiêm ngưỡng cảnh quang trong phim. Điều này lại tiếp tục gia tăng thêm áp lực lên thị trường nhà ở.
Trong Báo cáo bình ổn tài chính 2023 của Ngân hàng Trung ương Iceland (ICB), các nhà hoạch định nhấn mạnh sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch đã làm bùng nổ tranh cãi về việc có nên hạn chế khách du lịch bằng cách tăng chi phí, thuế để cải thiện đời sống của người dân địa phương hay không. Có thể vấn đề nhà ở tại Iceland đang rơi vào tình trạng nghiêm trọng.
Báo cáo cho biết, mặc dù ngành du lịch đã tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn, nhưng cũng gây thêm nhiều rủi ro trên thị trường bất động sản.
“Sự bùng nổ ngành du lịch dù làm giảm tỉ lệ thất nghiệp, nhưng lại gây áp lực lên thị trường nhà ở, khi phần lớn nhân viên ngành này là lao động nhập cư nước ngoài”, báo cáo cho biết.
Theo các ước tính, lượng khách du lịch đổ về Iceland có thể tăng từ 2,2 triệu người năm 2023 lên 2,5 triệu người vào năm 2026. Để thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch, chính phủ Iceland đang nỗ lực giải quyết các vấn đề nhà ở dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhất là phải cân bằng nhu cầu chỗ ở cho khách du lịch và người dân địa phương.
Có thể bạn quan tâm:
Ngành vận tải Nhật Bản "cầu cứu" lao động nữ
Nguồn Fortune