Nhà máy tại Trung Quốc trong thời điểm dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

 
Quốc Ngô Thứ Ba | 11/08/2020 14:00

Dư chấn COVID của thị trường mới nổi

Viên thuốc kích cầu có thể giúp các thị trường mới nổi hồi sinh nhưng có thể để lại tác dụng phụ trong dài hạn.

Mệt mỏi, khó thở, căng thẳng, bị các nốt phổi... Đã nhiều tháng trôi qua kể từ khi hồi phục sau cơn bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới gây ra, một số người vẫn còn báo cáo các triệu chứng như vậy. Căn bệnh này dường như vẫn để lại hệ lụy lâu dài, dù nhiều trường hợp không nguy hiểm đến tính mạng. Điều này cũng tương tự như những dư chấn mà dịch COVID-19 gây ra cho các nền kinh tế, đặc biệt là các nước đang phát triển và mới nổi.

Cách đây vài tháng, cú sốc COVID-19 đã khiến các thị trường tài chính chao đảo. Nhưng nhờ nỗ lực xoa dịu căng thẳng tài chính trong nước của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bằng cách giải tỏa tình trạng thiếu hụt đồng USD trên thế giới, mà thị trường cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ tại các nền kinh tế mới nổi đã phục hồi mạnh mẽ kể từ các mức giảm sâu vào tháng 3.

Tại Trung Quốc, đà khởi sắc có thể thấy rõ. GDP đã tăng trưởng 11,5% trong quý II so với quý I, với tốc độ hằng năm 59%, theo ngân hàng Thụy Sĩ UBS. Capital Economics dự kiến đến cuối năm nay GDP Trung Quốc sẽ bắt kịp với tốc độ tăng trưởng lúc chưa có dịch.

Đà tăng trưởng của Trung Quốc đã giúp nâng giá cả hàng hóa cơ bản, mang lại sự thở phào nhẹ nhõm cho 2/3 các nước đang phát triển xuất khẩu dầu, kim loại và các sản phẩm chủ yếu khác. Giá trị xuất khẩu hàng hóa bằng đồng USD của Indonesia vào tháng 6 cao hơn 2,3% so với một năm trước đó, ngược lại với mức dự báo giảm 12,3%.

 

Một số nền kinh tế mới nổi lớn khác cũng cho thấy sự phục hồi nhất định. Tại Mexico, lượng kiều hối cao hơn 3% vào tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, có lẽ bởi vì người lao động ở nước ngoài nhân cơ hội đồng peso rẻ tranh thủ gửi tiền về quê nhà. Ấn Độ vào tháng 5 và tháng 6 đã lấy lại hơn 90 triệu trong số 114 triệu việc làm bị bốc hơi trong tháng 4, theo Centre for Monitoring Indian Economy.\

Tuy nhiên, vẫn còn 2 mối lo ngại lớn. Mối lo trước mắt là dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với làn sóng thứ 2. Việc một số nước dỡ bỏ phong tỏa có thể đã góp phần làm tăng trở lại số ca nhiễm ở một số tỉnh thành của Trung Quốc và Việt Nam..., vốn đã thành công ngăn chặn dịch trước đó. Khôi phục đời sống thường ngày cũng đã làm tăng mạnh số ca nhiễm ở Ấn Độ và nhiều nước Mỹ Latinh. “Đà phục hồi sẽ không hề suôn sẻ”, các chuyên gia phân tích tại Capital Economics nhận xét.

Mối lo dài hạn là COVID-19 để lại những vết sẹo kinh tế thậm chí sau khi hết dịch. Các trận dịch vừa qua cũng đã để lại những dư chấn lâu dài. 3 năm sau dịch SARS, MERS, Ebola và Zika, hoạt động đầu tư đã thấp hơn 9% ở những nước có dịch tính trung bình, so với những nước không có dịch, theo World Bank. Sản lượng trên mỗi lao động cũng thấp hơn xấp xỉ 4%.

Thiệt hại lâu dài của COVID-19 được dự báo sẽ tồi tệ hơn rất nhiều, do phạm vi lan khắp toàn cầu, thời gian dịch bệnh kéo dài và mức độ phức tạp của nó. Dịch sẽ làm đứt gãy quá trình đào tạo nhân lực trẻ, ảnh hưởng đến nỗ lực phát triển lao động có chất lượng. Đối với doanh nghiệp, khi triển vọng tăng trưởng yếu ớt và không chắc chắn, họ sẽ không mặn mà đầu tư vào những lĩnh vực mới, thiết bị máy móc, các sáng kiến hay. Trong khi đó, theo Bhanu Baweja, Trưởng chiến lược gia tại UBS, hệ thống ngân hàng lại e ngại rủi ro, dù chính phủ tại 58 quốc gia đang phát triển đã cấp bảo lãnh tín dụng dưới nhiều hình thức để khuyến khích cho vay.

 

Thương mại cũng bị dư chấn về lâu dài, vốn dĩ đã sa sút bởi căng thẳng Mỹ - Trung. Đối với các nền kinh tế mới nổi, thương mại và đầu tư nước ngoài là nguồn cung cả về ngoại tệ lẫn tri thức công nghệ tiên tiến.

Với việc làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và suy yếu các mối quan hệ hợp tác quốc tế, “dịch có thể thay đổi nền tảng căn cơ mà tăng trưởng của những thập niên qua được xây dựng trên đó”, Ayhan Kose và các đồng tác giả nhận xét trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của World Bank.

Điều đó có nghĩa là một số ngành tại các nền kinh tế mới nổi sẽ phải thay đổi để thích ứng với thời cuộc mới. Nhưng một cuộc khủng hoảng không phải là thời điểm phù hợp để thực hiện một cuộc đại tu, khi doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác đều vật vã sau dịch.

Nhằm hạn chế thấp nhất sức ảnh hưởng của dịch đến hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp, vào tháng 3, các ngân hàng trung ương ở 42 quốc gia đang phát triển đã cắt giảm lãi suất, theo World Bank, một nỗ lực vượt xa thời điểm năm 2008. Thậm chí Ngân hàng Trung ương Ấn Độ còn ra sức vực dậy hệ thống ngân hàng mờ.

Một số ngân hàng trung ương cũng đã mua lại trái phiếu chính phủ, giúp các chính phủ có thêm nguồn lực để triển khai gói kích cầu. Ayhan Kose thuộc World Bank cho biết trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, một số nhà làm chính sách còn đắn đo khi thực hiện kích cầu nhưng lần này thì không hề có sự do dự nào cả. Quy mô các gói kích cầu trên toàn cầu được ước tính có thể lên đến 9.000 tỉ USD.

Phun thuốc khử trùng tại Hội An.
Phun thuốc khử trùng tại Hội An.

Việc triển khai một số biện pháp tháo gỡ khó khăn là cần thiết để vực dậy nền kinh tế nhưng cũng kèm theo đó là rủi ro. Một trong những rủi ro lớn nhất là các nước đang phát triển và mới nổi có thể rơi vào cuộc khủng hoảng nợ quy mô lớn, đe dọa đà phục hồi.

Trong báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Toàn cầu vào tháng 6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhận định, COVID-19 gây ra một cuộc khủng hoảng không giống bất kỳ một cuộc khủng hoàng nào trước đó với triển vọng phục hồi không chắc chắn. Trong khi các nền kinh tế phát triển có thể chỉ mất 1 hoặc 2 năm tăng trưởng, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có thể mất tới nửa thập kỷ.

Trước mắt, các chính phủ vẫn còn phải đau đầu đối phó với trận dịch chưa có hồi kết. Trong giai đoạn đầu bùng phát dịch, IMF ước tính có hơn 100 tỉ USD vốn nước ngoài đã rút khỏi các thị trường đang phát triển và mới nổi. Một cuộc bùng nổ COVID-19 mới trên diện rộng có thể gia tăng nguy cơ khủng hoảng nợ quốc tế tại các thị trường này, vốn rất dễ bị tổn thương trước những đợt rút vốn đột ngột từ nhà đầu tư nước ngoài, theo IMF.