Tổng thống Putin tại Lễ khai mạc World Cup 2018. Ành: Reuters

 
Hoài Sa Chủ Nhật | 17/06/2018 09:01

"Dự án" World Cup của Putin

Tám năm chuẩn bị và phí tổn lên tới 11 tỷ USD, chủ nhân điện Kremlin đặt nhiều mục tiêu cho World Cup 2018, chứ không đơn giản chỉ là đá bóng.

→Chi ra hơn 11 tỷ USD, World Cup sẽ kích thích kinh tế Nga?

Lễ khai mạc mùa World Cup 2018 mở màn vào chiều ngày 14/6/2018 trên sân cỏ Loujniki, Moscow. Sự vắng mặt của nhiều nguyên thủ quốc tế và trận đấu đầu tiên giữa hai đội Ả Rập Xê Út và Nga khiến lễ khai mạc kém phần hấp dẫn.

Trong số các lãnh đạo quốc tế có mặt tại sân vận động, nhiều nguyên thủ đại diện cho các nước Trung Á và vùng Káfkaz. Thủ tướng Liban Saad Hariri, Tổng thống Rwanda Paul Kagamé cũng có mặt trên khán đài danh dự. Nhưng mọi người chú ý đến sự vắng mặt của một nhân vật quan trọng là Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Gueterres. Trước đó vào năm 2010 và 2014, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc khi đó là Ban Ki Moon đã đến dự các trận đấu khai mạc lễ hội bóng đá tổ chức tại Nam Phi và Brazil.

Dù vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào World Cup này để đưa nước Nga thoát khỏi thế cô lập về mặt ngoại giao và để đưa ra một hình ảnh tích cực về đất nước xứ sở bạch dương. Mục tiêu mà điện Kremlin hướng tới qua việc tổ chức lễ hội bóng đá lần này là đưa nước Nga trở lại vị trí trung tâm trên bản đồ thế giới. 

Từ sau chiến tranh lạnh, Nga lại bị cô lập với châu Âu vì nước này quyết việc sáp nhập bán đảo Crimea và can thiệp vào miền đông Ukraina vẫn là cái gai trong bang giao giữa Moscow với Brussel. Cũng nước Nga từ 2014 liên tục đối mặt với các đợt trừng phạt kinh tế của Âu, Mỹ. Từ cuối tháng 3/2018, kênh đối thoại giữa Nga với phương Tây gặp thêm một sự cố sau vụ hai cha con cựu điệp viên Skripal bị đầu độc tại Lodon, Anh và nhiều nước đồng minh cho rằng điện Kremlin có liên quan đến vụ ám sát hụt này.

Hình ảnh của nước Nga trong mắt cộng đồng quốc tế đã xấu đi rõ rệt. Nhiều tiếng nói thậm chí đã vận động để Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) rút lại quyền tổ chức World Cup của Nga.Do vậy tổ chức một sự kiện thể thao thu hút hơn 3 tỷ người xem sẽ là cơ hội bằng vàng để ông Putin đưa ra hình ảnh của một nước Nga vừa năng động, vừa hiếu khách. Ngân hàng UBS cho rằng việc tổ chức World Cup có thể "nâng cao giá trị thương hiệu của Nga với một sự kiện thể thao chào đón, hòa bình và vui vẻ. Đặc biệt hơn, đây là lần đầu tiên một nước thuộc khối Đông Âu cũ tổ chức vòng chung kết World Cup thế giới. 

Vì vậy, điện Kremlin đã không ngần ngại chi ra 680 triệu USD chỉ để trang bị cho sân vận động ở Saint Petersburg một vòm mái tự động, mở ra đóng vào tùy theo trời mưa hay nắng. Các trạm xe điện ngầm ở Moscow đã được tân trang lại, tên các trạm xe được dịch sang tiếng Anh... Thậm chí, theo New York Times, Bộ Nội vụ Nga đã yêu cầu 11 thành phố trên triển khai lực lượng an ninh thông thạo các ngoại ngữ Anh, Trung Quốc, Pháp và Tây Ban Nha để hỗ trợ người hâm mộ nước ngoài khi cần thiết. Trong chương trình đào tạo lòng mến khách, các nhân viên đường sắt được học cách nở nụ cười thường xuyên...

Tổng thống Nga muốn dùng bóng đá để làm lại hình ảnh cho nước Nga. Ảnh: Newsweek

Với phí tổn lên tới hàng chục tỷ USD, World Cup 2018 đi vào lịch sử như mùa thi đấu tốn kém nhất từ trước tới nay. Nhưng với số tiền khổng lồ này, ông Putin muốn chứng minh với cả thế giới rằng chính sách trừng phạt Nga của phương Tây đã thất bại. 

Dù World Cup 2018 có là chiếc đũa thần đối với hình ảnh nước Nga hay không thì chủ nhân điện Kremlin vẫn còn một mục tiêu nữa: đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Với ngân sách khổng lồ cho mùa hội bóng đá 2018, nước Nga đã trùng tu, xây dựng các sân vận động, hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng tại thủ đô Moscow, nâng cấp hệ thống xe lửa... Tám năm đầu tư chuẩn bị, nước Nga đã làm cuộc đại xây dựng cho World Cup lần này với 8 sân vận động mới, hàng nghìn km đường cùng 53.000 tình nguyện viên được đào tạo bài bản để hướng dẫn những người tới World Cup. 

Khoản đầu tư của Nga cho World Cup 2018. (Tính theo tỉ rúp)

Theo Bloomberg, World Cup có thể tạo ra một cú hích nhẹ cho nền kinh tế có quy mô gần 1,5 nghìn tỷ USD của Nga. Trong khi Chính phủ Nga tính toán tác động của World Cup tới kinh tế cho thấy, GDP của Nga có thể tăng lên khoảng 26 tỷ USD (khoảng 1,62 triệu tỷ rúp) đến 30,8 tỷ USD trong 10 năm từ 2013 đến 2023.