Bá Ước Thứ Ba | 28/03/2017 08:00

Dow Jones có chuỗi giảm điểm dài nhất kể từ năm 2011

Thị trường tiếp tục chìm sâu sau thất bại chính trị của ông Donald Trump và Đảng Cộng hòa.

Các chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều giảm nhẹ trong ngày thứ Hai 27/3, khi nhà đầu tư bắt đầu hoài nghi về việc liệu chương trình kinh tế đầy tham vọng của Tổng thống Donald Trump có trở thành hiện thực, sau khi Đảng Cộng hòa rút lại kế hoạch bãi bỏ và thay thế Obamacare vào tuần trước.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones có lúc giảm 184 điểm trong ngày giao dịch, tuy nhiên chỉ số này sau đó đã phục hồi nhẹ, và tới lúc chốt phiên thì giảm 45,75 điểm, hay 0,2%, xuống mức 20.550,98. Đây là phiên giảm điểm thứ 8 liên tiếp của chỉ số này và là chuỗi giảm điểm dài nhất kể từ tháng 8 /2011. Các cổ phiếu lớn dẫn đầu dà giảm điểm của thị trường là Chevron với mức giảm 1,58% và Goldman Sachs với 1,28%.

Chỉ số S&P 500 giảm 2,39 điểm hay 0,1%, chốt phiên ở mức 2.341,59, khi 7/11 nhóm cổ phiếu chính giảm điểm. Nhóm cổ phiếu viễn thông và tài chính giảm điểm mạnh nhất, trong khi cổ phiếu vật liệu và chăm sóc sức khỏe là nhóm tăng điểm mạnh nhất. Trong phiên, chỉ số này có lúc giảm đến 22 điểm.

Chỉ số Nasdaq tăng 11,64 điểm hay 0,2% chốt phiên ở mức 5.840,37, sau khi giảm 59 điểm ở đầu phiên.

Thất bại trong việc thay thế luật bảo hiểm y tế, vốn là phép thử đầu tiên về khả năng lập pháp của ông Trump, đã đặt dấu hỏi về khả năng ông có thể thông qua các dự luật khác, cũng như về sự đoàn kết của đảng Cộng hòa. Thị trường đã có đà tăng mạnh kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nhờ sự lạc quan rằng các kế hoạch cắt giảm thuế và nới lỏng luật lệ của Trump có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giờ đây, thị trường có thể gặp trắc trở nếu các kế hoạch kinh tế này không được hiện thực hóa, đặc biệt là khi giá trị cổ phiếu đã ở mức cao ngất như hiện nay.

Dow Jones co chuoi giam diem dai nhat ke tu nam 2011
Từ năm 2008 tới nay, chỉ số Dow Jones đã có 3 lần rơi giá 8 ngày liên tiếp, đều là do các mâu thuẫn chính trị trong Quốc hội Mỹ (lần 1 là về kế hoạch giải cứu các tập doàn lớn, lần 2 là về trần nợ công, lần 3 là về luật bảo hiểm y tế mới). Ảnh: MarketWatch

Tuy vậy, nền kinh tế Mỹ vẫn đang phục hồi vững chắc và là nhân tố thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu, theo ông Bill Stone, chiến lược gia đầu tư tại PNC Asset Management Group. Ông lấy dẫn chứng là chỉ số PMI ấn tượng không chỉ ở Mỹ mà còn ở Châu Âu: “Các điều kiện cơ bản đang cải thiện, vấn đề là chúng ta không lượng hóa được kế hoạch cắt giảm thuế của ông Trump đóng góp bao nhiêu vào đà tăng của chứng khoán vừa qua. Thị trường chưa giảm điểm quá 5% trong một thời gian dài, tuy nhiên với sức mạnh của nền kinh tế hiện tại, tôi nghĩ là nhà đầu tư sẽ tiếp tục mua vào cho đến khi thị trường giảm 10%”. Chỉ số Dow Jones mới chỉ giảm 2,9% kể từ mức cao kỉ lục, còn S&P là 2,5% và Nasdaq là 1,5%.

Theo Michala Marcussen, kinh tế gia trưởng toàn cầu của Societe Generale thì: “ Thị trường tài chính đã ngày một hoài nghi về các kế hoạch của ông Trump, vốn thúc đẩy S&P tăng lên mức cao nhất là 2.400 điểm vào đầu tháng 3. Và do vậy, các dữ liệu kinh tế sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư”

Các chỉ số chính đã đồng loạt giảm điểm vào thứ 6 tuần trước, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất sau nhiều tháng, khi ông Trump và Đảng Cộng hòa rút lui kế hoạch bỏ phiếu cho dự luật bảo hiểm y tế mới.

Bá Ước

Nguồn MarketWatch