Mặc dù dòng vốn hiện tại chảy ra từ Trung Quốc vẫn chưa ở quy mô lớn như những gì đã thấy trong cuộc khủng hoảng 2015-2016. Ảnh: Ricardo Rey.
Dòng vốn tiếp tục "tháo chạy" khỏi Trung Quốc
Theo The Economist, 2023 là một năm tồi tệ với Trung Quốc khi chỉ số chứng khoán CSI 300 đã giảm 13% từ đầu năm 2023 đến nay, xuống dưới mức kỷ lục thời điểm đại dịch COVID-19. Không những vậy, khó khăn trên thị trường bất động sản cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp vỡ nợ. Triển vọng tăng trưởng kinh tế mờ nhạt, kết hợp cùng mối quan hệ thương mại bất ổn với nhiều quốc gia đối tác, Trung Quốc đang chật vật hơn bao giờ hết.
Đây cũng là lí do dẫn đến dòng vốn chảy ra khổng lồ. Các nhà đầu tư nước ngoài, những người từng có niềm đam mê vô tận với Trung Quốc, đang đổ xô tìm cách rút lui. Nhiều người Trung Quốc giàu có cũng vậy. Theo Viện Tài chính Quốc tế, một tổ chức nghiên cứu, dòng vốn chảy ra đến từ cổ phiếu và trái phiếu của nước này đã tiếp diễn trong 5 quý liên tiếp, chuỗi dài nhất được ghi nhận.
Nhiều công ty cũng đang "ngứa chân". Trong quý III năm nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng vào Trung Quốc lần đầu tiên đạt mức âm kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập cách đây 1/4 thế kỷ. Điều này một phần phản ánh xu hướng đầu tư của các nhà sản xuất trong nước vào hoạt động ở nước ngoài, động thái này có thể làm giảm chi phí lao động và giúp tránh được thuế quan của Mỹ. Quy mô của dòng vốn chảy ra tổng thể vẫn còn đang được tranh luận, nhưng một số người tin rằng giá trị có thể lên tới 500 tỉ USD.
Lần tăng tháo vốn kỷ lục gần nhất của Trung Quốc diễn ra vào năm 2015-2016, đến từ thị trường chứng khoán sụp đổ. Theo một ước tính, chỉ riêng năm 2015 đã có tới 1 nghìn tỉ USD thất thoát khỏi nước này. Khi đó, nhiều nước đã mở rộng vòng tay chào đón nguồn vốn của Trung Quốc. Giờ đây Trung Quốc là một dấu hỏi lớn. Do đó, điểm đến mới cho các quỹ Trung Quốc, cả hợp pháp và bất hợp pháp, đang được truy tìm.
Cách thức vốn chảy ra
Né tránh sự kiểm soát của giới chức là nhiệm vụ đầu tiên đối với các nhà đầu tư đang lo lắng. Một số giao dịch chuyển tiền được thực hiện từng phần: cư dân đại lục có thể mua các hợp đồng bảo hiểm có thể giao dịch ở Hồng Kông, mặc dù theo luật họ chỉ có thể chi 5.000 USD một lần. Trong 9 tháng đầu năm, doanh số bán bảo hiểm cho du khách đại lục đạt 47 tỉ dollar hồng kông (6 tỉ USD), tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Thế nhưng nhiều quốc gia lại tỏ ra e dè với nhà đầu tư Trung Quốc hơn là kỷ nguyên tháo vốn vừa qua. Hàng chục cơ quan lập pháp cấp bang của Mỹ đã thông qua dự luật ngăn chặn công dân nước ngoài định cư, mua đất và tài sản. Tại Canada, một thị trường từng phổ biến khác, những người không cư trú hiện bị cấm hoàn toàn việc mua bất động sản. Thị thực vàng ở châu Âu, nơi cấp quyền cư trú để đổi lấy đầu tư, đang không còn được ưa chuộng vì các chương trình ở Ireland, Hà Lan và Bồ Đào Nha đang bị thắt chặt hoặc bãi bỏ. Mặc dù Hồng Kông vẫn là cửa ngõ để vốn của Trung Quốc có thể tiếp cận phần còn lại của thế giới, nhưng sức hấp dẫn của quốc gia này như một nơi trú ẩn an toàn cho các gia đình giàu có nhằm bảo vệ tài sản của họ khỏi nhà nước Trung Quốc đã giảm sút đáng kể, vì các mâu thuẫn lãnh thổ leo thang.
Chính trong bối cảnh đó, Singapore ngày càng đảm nhận vai trò quan trọng hơn. Thành công của quốc gia trong việc thu hút tiền mặt của người Trung Quốc phần lớn nhờ vào khoảng cách địa lý tương đối gần, thuế thấp và dân số nói tiếng phổ thông đông đảo. Đầu tư trực tiếp từ Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đã tăng 59% kể từ năm 2021, đạt 14,4 tỉ USD vào năm ngoái.
Số lượng văn phòng gia đình ở Singapore đã tăng từ 400 vào năm 2020 lên 1.100 vào cuối năm 2022, xu hướng được thúc đẩy bởi nhu cầu của Trung Quốc. Dòng vốn từ Trung Quốc cũng đã hỗ trợ các ngân hàng Singapore, giúp nâng cao lợi nhuận tại các tổ chức như Ngân hàng DBS và Tập đoàn Ngân hàng Trung Quốc hải ngoại. Các địa điểm trung lập khác cũng được hưởng lợi từ tiền mặt của Trung Quốc. Mặc dù thị thực vàng đang suy giảm ở những nơi khác, nhưng lượng thị thực được cấp ở Dubai đã tăng 52% trong sáu tháng đầu năm 2023, so với cùng kỳ năm 2022, với rất nhiều người nhận được cho là người Trung Quốc.
Các nước trung lập không phải là những người được hưởng lợi duy nhất. Bà Glass Wu của Japan Hana, một công ty bất động sản, cho biết các câu hỏi về bất động sản Nhật Bản từ khách hàng ở Trung Quốc và Hồng Kông đã tăng gần gấp ba trong năm qua.
Xu hướng này càng được thúc đẩy bởi đồng yên Nhật yếu, đã giảm 1/5 trong ba năm qua so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Theo bà, khoảng 70% người mua xem bất động sản qua cuộc gọi video và chốt mua mà không cần đến thăm thực tế. Kể từ năm 2020, giá trung bình của những ngôi nhà trên khắp thế giới nhận được yêu cầu từ người mua Trung Quốc đã tăng từ 296.000 USD lên 728.000 USD. Thay vì mua những căn nhà nhỏ để cho thuê, người mua đang chọn những căn nhà rộng rãi để họ thực sự ở.
Vấn đề với dòng vốn từ Trung Quốc
Dòng tiền này đã gây áp lực lên thị trường nhà ở Singapore, vốn do nhà nước cung cấp và có ít hơn nửa triệu căn hộ tư nhân. Vào tháng 4, quốc gia này đã áp dụng mức thuế đáng kinh ngạc 60% đối với tất cả các giao dịch mua bất động sản của người nước ngoài nhằm hạ nhiệt tình hình. Bí mật tài chính của thành phố cũng có thể mời gọi các loại hoạt động sai trái.
Mặc dù dòng vốn hiện tại chảy ra từ Trung Quốc vẫn chưa ở quy mô lớn như những gì đã thấy trong cuộc khủng hoảng 2015-2016, nhưng có thể sẽ tồn tại lâu dài hơn. Thời điểm đó, sự bùng nổ tín dụng do chính phủ tạo ra trong ngành bất động sản đã giúp vực dậy tinh thần phấn chấn của nền kinh tế. Lần này, chính phủ Trung Quốc lại đang muốn hạ nhiệt thị trường bất động sản. Nếu không có sự phục hồi đột ngột, bất ngờ của nền kinh tế Trung Quốc, dòng vốn tìm kiếm lối thoát khó có thể giảm tốc. Các nhà đầu tư và công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm nhiều loại tài sản nước ngoài - ít nhất là những tài sản mà họ vẫn được phép mua, gây ra niềm vui và cả những cơn đau đầu ở bất cứ nơi nào họ đặt chân đến.
Có thể bạn quan tâm:
Chuỗi cung ứng lương thực của Nhật Bản lung lay đến mức nào?
Nguồn The Economist