Sự dịch chuyển của dòng vốn một phần phản ánh sự chênh lệch lãi suất giữa Trung Quốc và các quốc gia khác. Ảnh: Bloomberg.
Dòng vốn ồ ạt rút khỏi Trung Quốc
Dòng vốn nước ngoài đang chảy khỏi Trung Quốc với tốc độ nhanh chưa từng có kể từ năm 2016. Đây là nhân tố gây áp lực giảm lên tỉ giá đồng nhân dân tệ.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc ngày càng chìm sâu vào “vũng lầy” khủng hoảng, bất chấp tăng trưởng quý III/2023 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vượt ngoài kỳ vọng. Sự rút lui của dòng vốn nước ngoài cho thấy tâm lý lo ngại rủi ro tình hình ảm đạm sẽ còn kéo dài của các nhà đầu tư.
Cơ quan quản lý tiền tệ Trung Quốc, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE) cho biết trong tháng 9 vừa qua, các ngân hàng trong nước đã bán ròng 19,4 tỉ USD ngoại hối cho khách hàng. Đây là mức bán ròng cao nhất kể từ tháng 11/2018, thời điểm căng thẳng thương chiến Mỹ - Trung Quốc leo thang nhất. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng gửi ròng 53,9 tỉ USD ra nước ngoài theo yêu cầu của khách hàng trong cùng tháng, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 1/2016.
Theo dữ liệu từ ngân hàng Goldman Sachs, dòng vốn rút ròng đã tăng lên 75 tỉ USD trong tháng 9/2023, trở thành mức cao nhất kể từ cuối năm 2017 và tăng 80% so với cùng kỳ tháng 8/2023. Dòng vốn đang chảy khỏi đất nước càng gây thêm áp lực giảm đối với đồng nhân dân tệ, vốn đã suy yếu trong thời gian qua.
Đầu năm 2023, nhân dân tệ tăng giá mạnh vì thị trường tài chính toàn cầu chờ đợi sự mở cửa lại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nhân dân tệ là một trong những đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong khu vực châu Á năm 2023. Thậm chí, đồng tiền nước này gần chạm đáy khi chỉ còn khoảng 1% nữa.
Sự dịch chuyển của dòng vốn một phần phản ánh sự chênh lệch lãi suất giữa Trung Quốc và các quốc gia khác. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giữ lãi suất ở mức thấp để kích thích nền kinh tế phục hồi trong khi Mỹ vẫn đang giữ lãi suất cao. Do đó, chênh lệch lãi suất giữa 2 nước ngày càng tăng lên mức cao nhất trong 20 năm qua.
Đồng nhân dân tệ suy yếu không có lợi cho dòng vốn, vì các nhà đầu tư sẽ lo ngại về tổn thất ngoại hối khi xem xét các tài sản định giá bằng đồng tiền này. Dữ liệu kinh tế tháng 9/2023 cho thấy các tài khoản vãng lai và tài khoản vốn ở Trung Quốc đều ồ ạt bị rút vốn. Ngoài ra, dòng vốn cũng liên tục thất thoát trên thị trường chứng khoán khi khối ngoại bán tháo cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc.
PBOC dường như hài lòng với việc để đồng nhân dân tệ mất giá sâu hơn. Ảnh: Bloomberg. |
Các quỹ đầu tư nước ngoài hạ tỉ trọng nắm giữ trái phiếu chính phủ Trung Quốc xuống còn 2,070 tỉ nhân dân tệ từ mức 13,5 tỉ nhân dân tệ. Được biết đây là mức nắm giữ thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc cũng góp phần khiến tình hình trầm trọng hơn. Các quỹ đầu tư toàn cầu đã thông qua các kênh liên kết giao dịch với Hồng Kông và bán ra 1,6 tỉ USD cổ phiếu Trung Quốc trong tuần trước.
Ngân hàng Morgan Stanley nhận định, Trung Quốc đang chứng kiến làn sóng rút vốn ồ ạt chưa từng có. Nhiều ý kiến cho rằng PBOC cần có động thái mới về chính sách nới lỏng tiền tệ trước khi dòng vốn bị rút cạn. Song, một số chuyên gia cho biết PBOC dường như đang hài lòng với việc để đồng nhân dân tệ mất giá sâu hơn trong khi đồng USD tăng cao. Trong bối cảnh đà tăng trưởng không được như kỳ vọng, đồng tiền mất giá cũng chính là một dạng của nới lỏng tiền tệ.
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn Bloomberg