Dòng vốn FDI toàn cầu tăng trở lại trong năm 2013
Theo số liệu của WIR, năm 2013, các nền kinh tế đang phát triển vẫn đứng đầu thế giới về lượng vốn FDI chảy vào với số vốn lên đến 778 tỷ USD, chiếm 54% tổng vốn FDI toàn cầu. Trong khi đó, FDI chảy vào các nước phát triển tăng 9% lên 566 tỷ USD, chiếm 39% tổng FDI của thế giới. Ngoài ra, các nền kinh tế chuyển đổi nhận được 108 tỷ USD vốn FDI trong năm 2013.
Chỉ trong bốn tháng đầu năm nay, tổng giá trị các vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trên thế giới đạt 500 tỷ USD - mức cao nhất kể từ năm 2007 và cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là 10 thỏa thuận đầu tư lớn nhất đều ở các nước phát triển.
Xét về khu vực, châu Á vẫn là điểm đến đầu tư hàng đầu thế giới với dòng vốn FDI vào các nước châu Á đang phát triển đạt 426 tỷ USD, chiếm 30% tổng vốn FDI toàn cầu trong năm 2013.
Trong đó, khu vực Đông Nam Á tăng trưởng chậm lại, với dòng vốn chảy vào khu vực chỉ tăng 7% đạt 125 tỷ USD năm 2013, thấp hơn so với mức tăng trưởng nhanh chóng từ 47 tỷ USD trong năm 2009 lên 118 tỷ USD năm 2012.
Năm ngoái, Singapore giữ vị trí đứng đầu về thu hút vốn FDI trong khu vực Đông Nam Á với các thỏa thuận khổng lồ, đẩy tổng vốn đầu tư lên cao kỷ lục 64 tỷ USD. Dòng vốn FDI vào Indonesia ổn định với khoảng 18 tỷ USD trong năm 2013, trong khi FDI vào Thái Lan tăng lên 13 tỷ USD dù nhiều dự án bị gác lại do tình hình chính trị bất ổn.
Nhìn chung, năm 2013, Mỹ là nước thu hút FDI lớn nhất thế giới. Mặc dù FDI vào Mỹ đã giảm dần từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng tổng số vốn FDI vào Mỹ năm ngoái vẫn là 188 tỷ USD, cao hơn 50% so với Trung Quốc với dòng vốn FDI đạt 124 tỷ USD.
WIR dự báo, dòng vốn FDI sẽ tăng lên 1,6 nghìn tỷ USD trong năm 2014, trước khi tiếp tục tăng lên 1,7 nghìn tỷ USD trong năm tiếp theo và 1,8 nghìn tỷ USD vào năm 2016, trong đó, phần lớn vốn FDI sẽ chảy vào các nước phát triển. Trong khi đó, lượng vốn FDI đổ vào một số thị trường mới nổi có thể sẽ giảm do kinh tế phục hồi yếu ớt, chính sách tài chính và chính trị bất ổn.
Nguồn Theo DVO/ WIR