Thứ Tư | 08/08/2012 10:01

Dòng tiền tiếp tục rút khỏi Ấn Độ

Giới đầu tư nước ngoài đang tìm cách giảm cổ phần trong doanh nghiệp nhà nước Ấn Độ do những chính sách bất lợi của chính phủ với hoạt động đầu tư.
Theo các dữ liệu do hãng Bloomberg công bố, tính đến thời điểm kết thúc tháng 6, số cổ phần của các quỹ nước ngoài trong doanh nghiệp nhà nước Ấn Độ chỉ còn 7,3%, thấp nhất kể từ tháng 3/2009.

Nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rút khỏi khu vực doanh nghiệp nhà nước Ấn Độ chủ yếu là do sự can thiệp của chính quyền của thủ tướng Manmohan Singh vào nền kinh tế cũng như các chính sách thuế mới gây bất lợi cho đầu tư nước ngoài, công ty Prudential International Investments Advisers cho biết. Bên cạnh đó, nạn tham những, cắt giảm năng lượng kỷ lục cũng khiến niềm tin của các nhà đầu tư bị xói mòn.

Ấn Độ đã để tuột mất vị trí dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư tại các thị trường mới nổi. Trong khi đó, giới đầu tư hướng đến ASEAN với các thị trường mới nổi tiềm năng. Không chỉ có các quỹ chứng khoán, các quỹ tương hỗ cũng chuyển hướng đầu tư sang ASEAN thay vì đầu tư vào Ấn Độ. Các nhà đầu tư đã rút gần 480 triệu USD khỏi các quỹ ở Ấn Độ trong tháng 4 trong khi ASEAN lại nhận 4,1 tỷ USD chảy vào khu vực này.

Sự ra đi của các nhà đầu tư nước ngoài có thể phá hủy kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách trong năm nay của chính phủ Ấn Độ, thông qua việc bán 300 tỷ rupee cổ phiếu của các doanh nghiệp quốc doanh, công ty quản lý tài sản F&C cho biết.

Người phụ trách cổ phiếu thị trường mới nổi tại F&C, ông Jeff Chowdhry cho biết: "Hiện F&C đang tìm cách giảm tiếp xúc với các công ty quốc doanh Ấn Độ. Hiện tại, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều cho biết họ có kế hoạch chuyển đầu tư sang khu vực dịch vụ tư nhân nhằm thoát khỏi các chính sách bất lợi của chính phủ Ấn Độ".

Tính đến hết tháng 5 năm nay, F&C bán khoảng 1.463 cổ phiếu tại Công ty than đá Ấn Độ và 28.000 cổ phiếu trong công ty khai thác quặng sắt NMDC, cả hai công ty trên đều nằm trong khu vực quốc doanh của Ấn Độ.

Bên cạnh những chính sách bất lợi cho đầu tư, triển vọng mờ nhạt của nền kinh tế thứ 3 châu Á cũng khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài quyết định rút khỏi các công ty quốc doanh.

Trong quý I năm nay, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ chỉ đạt 5,3%, tốc độ chậm nhất trong gần một thập kỷ qua. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát tăng nhanh cũng buộc Ngân hàng trung ương Ấn Độ phải cắt giảm lãi suất.

Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,6% trong tài khóa 2012 (kết thúc cuối tháng 3/2012), song các chuyên gia cho rằng mục tiêu này là khó khả thi và kinh tế nước này có thể chỉ tăng trưởng từ 6-7%.

Nguồn Bloomberg/Khampha


Sự kiện