Dòng tiền thông minh đang mua gì ở Nga và Trung Quốc?
Và trong một bài viết được CNN Money đăng hôm thứ Hai, tác giả Jesse Solomon nhấn mạnh rằng, có một số quỹ đầu tư hàng đầu đang ôm đầy bụng tài sản ở các thị trường rủi ro như Nga và Trung Quốc.
Ví dụ, Citadel Advisors và Renaissance Technologies đã mua các cổ phiếu niêm yết trên TTCK Mỹ của VimpelCom và Mobile TeleSystems, hai công ty viễn thông của Nga hoạt động ở Nga và Ukraine, theo dữ liệu từ FactSet.
“Trong khi nhiều nhà phân tích nghi ngờ về việc phương Tây và Nga đang đào sâu sự bất ổn ở Ukraine, các quỹ đầu cơ có lẽ đang đánh cược rằng, căng thẳng sẽ không leo thang đến các mức nguy hiểm”, Solomon viết. Tuy nhiên, cổ phiếu của cả hai công ty này đã giảm sâu trong năm 2014.
Các quỹ đầu cơ cũng mua thêm nhiều cổ phiếu Trung Quốc trong quý đầu năm nay. “Point72 Asset Management của Steven Cohen là một trong những công ty mua cổ phần của hãng tìm kiếm Baidu”, Solomon viết. “Point72 là công ty gia đình, nhưng vẫn quản lý rất nhiều tiền”.
Dù ai đó có thể đặt câu hỏi về hoạt động đầu tư ở Nga và Trung Quốc bởi những rủi ro địa chính trị ở nước trước và lo ngại tăng trưởng kinh tế ở nước sau, bài viết của Jason Zweig trên Nhật báo Phố Wall đã đưa ra một lý do đáng tin cậy về việc tại sao các chứng khoán bên ngoài nước Mỹ lại trở nên hấp dẫn ở thời điểm hiện tại.
“Nếu bạn muốn kiếm lời nhiều hơn, bạn sẽ phải phiêu lưu ra bên ngoài”, Zweig viết. “Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) như SPDR MSCI ACWI ex-US, iShares Core MSCI Total International, Vanguard FTSE All-World ex-US là những ví dụ về nắm giữ cổ phiếu nước ngoài ở một mức giá thấp”.
Zweig trích lời Doug Ramsey, Giám đốc đầu tư của Leuthold Weeden Capital, nói rằng: “Cổ phiếu nước ngoài hiện rẻ hơn rất nhiều và bạn sẽ kiếm được khoản lời nhất định ngay cả nếu các nền kinh tế bên ngoài nước Mỹ không tăng trưởng tốt. Bạn thực sự không cần xem xét các yếu tố cơ bản khi khoảng cách định giá rộng như vậy”.
Cuối cùng, một bài viết đăng trên Business Insider đầu tuần này nhấn mạnh đến thái độ thỏa mãn đầu tư - hay sự thiếu vắng biến động - thứ đang lan tràn khắp thị trường chứng khoán Mỹ và mức độ nguy hiểm mà nó có thể gây ra.
Thị trường chứng khoán Mỹ đang thiếu sự biến động tương tự như thời kỳ đỉnh cao tháng 10/2007.
Tác giả Sam Ro của bài viết trên Business Insider trích lời chiến lược gia đầu tư của Societe Generale, ông Andrew Lapthorne, rằng: “số ngày giảm điểm 1% của S&P 500 trong một năm, tính từ 1969, bình quân là 27; trong khi con số này chỉ là 16 trong 12 tháng qua. Chỉ số này hiện đã trải qua 468 ngày không có đợt điều chỉnh trên 10% nào, thời kỳ dài thứ 4 trong lịch sử”.
Lapthorne nói thêm rằng “điểm trung của tất cả các số liệu này là chúng minh chứng cho một rủi ro tiềm tàng được xây trên sự tự mãn của nhà đầu tư. Cổ phiếu và các tài sản rủi ro khác càng trải qua một thời dài không điều chỉnh, thì khả năng điều chỉnh mạnh càng có thể xảy ra. Rủi ro điều chỉnh không giúp cho ai về mặt dài hạn và chúng tôi nghĩ rằng, các nhà hoạch định chính sách nên cảnh báo nhiều hơn về rủi ro này”.
Nguồn Đầu Tư Chứng Khoán