Thứ Năm | 20/08/2015 14:25

Đồng tiền nhiều nước châu Á đua nhau rớt giá

Trong số các đồng tiền trong khu vực, đồng ringgit của Malaysia mất giá nhiều nhất, thậm chí xuống thấp hơn đáy hồi khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Theo tờ New Straits Times của Malaysia, là nước xuất khẩu hàng đầu trong khu vực về dầu mỏ và dầu cọ cũng như nhiều loại nguyên vật liệu khác, đồng tiền nước này mất giá theo đà suy giảm giá dầu thô và nguyên vật liệu trên thế giới.

Đây cũng là tình cảnh chung của các nước trong khu vực có xuất khẩu ròng dầu thô. “Giá dầu sụt giảm luôn là nhân tố tiêu cực với đồng tiền của các nước xuất khẩu mặt hàng này” - Sook Mei Leong, trưởng phòng nghiên cứu thị trường toàn cầu của Ngân hàng Tokyo - Mitsubishi UFJ tại Singapore, đánh giá.

Theo Reuters, không phải đến khi NDT bị phá giá các đồng tiền châu Á mới xuống theo. Trước đó, giá dầu giảm và đồng yen Nhật giảm đã khiến các đồng tiền này đi xuống đáng kể.

“Trong nỗ lực kích thích xuất khẩu - động lực tăng trưởng kinh tế chính của hầu hết các nước châu Á - chính phủ các nước này đều dùng cách này hay cách khác phá giá đồng tiền của mình. Có thể coi như châu Á đang có một cuộc đua phá giá đồng nội tệ để giành phần lợi trên thương trường quốc tế” - cố vấn của bộ trưởng tài chính Ấn Độ nhận xét.

Dong tien nhieu nuoc chau A dua nhau rot gia

Thống kê của trang tỉ giá các đồng tiền quốc tế XE, tính từ ngày 5-1 tới nay các đồng tiền châu Á đều đi theo chiều hướng mất giá so với đồng USD. Cụ thể, yen Nhật mất giá 4,18%, SGD mất giá 5,26%, baht Thái mất 7,98%, rupiah Indonesia mất 9,5% trong khi VND mất giá khoảng 5,71% so với USD trên thị trường tiền tệ quốc tế.

Đồng ringgit của Malaysia mất giá nhiều nhất, với 14,9%. Riêng NDT, sau đợt phá giá, đồng tiền này mất giá song sau đó đã hồi phục và tính chung so với trước ngày phá giá 11-8, đồng tiền này mất giá khoảng 4%. Còn so với mốc từ đầu năm đến nay, NDT mất giá 2,91%.

Nguồn Tuổi trẻ