Du khách Trung Quốc đi từ đảo Serangan đến đảo Lombok ở Bali, vào ngày 25/1. Ảnh: Getty Images

 
Mỹ Quyên Thứ Ba | 31/01/2023 21:12

Dòng tiền khổng lồ chảy khỏi Trung Quốc sau Zero Covid

Trung Quốc có số lượng người siêu giàu lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ, với hơn 32.000 người nắm giữ khối tài sản trên 50 triệu USD.

Quyết định dỡ bỏ các hạn chế đi lại do COVID-19 của Chủ tịch Tập Cận Bình đang đẩy nhanh làn sóng di cư của những người Trung Quốc giàu có, thúc đẩy dòng vốn lên đến hàng tỉ USD chảy ra nước ngoài.

Các chuyên gia tư vấn nhập cư cho biết kể từ khi Zero Covid kết thúc vào tháng 12, nhiều người giàu Trung Quốc đã bắt đầu ra nước ngoài để xem bất động sản hoặc lên kế hoạch di cư. Điều đó đang làm tăng rủi ro chảy máu chất xám trong nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cũng như dòng tiền chảy ra ngoài có thể gây áp lực lên thị trường tài chính của nước này.

Công ty luật nhập cư Canada Sobirovs đang nhận thấy sự cấp bách ngày càng tăng từ các khách hàng Trung Quốc tìm cách di cư đến quốc gia Bắc Mỹ. “Sáu tháng qua thật sự không khỏi khiến mọi người ngao ngán, cũng vì vậy mà lượng đăng ký tư vấn tăng đột biến,” bà Feruza Djamalova, luật sư cấp cao tại Sobirovs cho biết. “Bây giờ khách hàng từ Trung Quốc của chúng tôi đã sẵn sàng di dời và càng sớm càng tốt.”

Trước đại dịch, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng tháo chạy vốn khoảng 150 tỉ USD/năm từ những người ra nước ngoài, nhưng số tiền này có thể cao hơn vào năm 2023 do người dân đã không thể đi du lịch trong 3 năm qua, theo bà Alicia Garcia Herrero, giám đốc điều hành kiêm nhà kinh tế khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Natixis SA. 

Bà Garcia Herrero cho biết: “Trung Quốc sẽ phải đối mặt với dòng tiền chảy ra lớn trong năm nay và điều này có thể sẽ gây áp lực lên đồng Nhân dân tệ và tài khoản vãng lai. Bà cho biết dòng vốn tháo chạy có thể không lớn hơn những năm trước, nhưng vẫn ảnh hưởng đến lực lượng lao động, năng suất và tăng trưởng. 

Trung Quốc có số lượng người siêu giàu lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ, với hơn 32.000 người nắm giữ khối tài sản trên 50 triệu USD, theo báo cáo tháng 9 của Credit Suisse.
Sự ra đi của những người giàu có đã bắt đầu từ năm ngoái. Khoảng 10.800 người Trung Quốc giàu có đã di cư vào năm 2022, nhiều nhất kể từ năm 2019 và nhiều thứ hai sau Nga, theo New World Wealth, đối tác tình báo dữ liệu toàn cầu của Công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners.

Henley nhận thấy các câu hỏi từ các cá nhân Trung Quốc về vấn đề di cư tăng hơn gấp 4 lần trong những ngày sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại so với tuần trước đó. Tỷ lệ di cư thấp trong giai đoạn đầu của đại dịch, nhưng đã tăng gấp đôi vào năm 2022. 

Trung Quốc chứng kiến ​​dòng chảy ròng của 10.800 cá nhân giàu có vào năm 2022
Có đến 10.800 cá nhân giàu có rời Trung Quốc vào năm 2022. Ảnh: Bloomberg.

Juwai IQI, một công ty bán bất động sản quốc tế cho khách hàng ở châu Á, cho biết số lượng tìm mua của người Trung Quốc đại lục đã giảm 26% vào năm 2021 và giảm 11% vào năm 2022, nhưng cho đến năm 2023 con số này đã tăng 55% và tiếp tục duy trì. 

Các lượt tìm kiếm và đề cập từ khóa về “di cư” trên Wechat gần như tăng gấp 5 lần vào ngày 26/12 so với một ngày trước đó, lên 110,7 triệu lượt, sau khi Trung Quốc hạ cấp COVID-19 xuống loại bệnh có mối đe dọa thấp hơn và tuyên bố sẽ hủy bỏ mọi biện pháp kiểm dịch.

Trung Quốc là một nước kiểm soát vốn rất chặt chẽ. Công dân chỉ có thể chuyển đổi 50.000 USD nhân dân tệ sang ngoại tệ mỗi năm. Nhưng bất chấp những hạn chế đó, việc mở lại hoạt động du lịch cũng đủ để thúc đẩy dòng vốn chảy ra khỏi ngành du lịch — ngay cả khi mọi người không chọn di cư vĩnh viễn.

Ông Chen Zhiwu, giáo sư tài chính tại Đại học Hồng Kông cho biết: “Nếu vài triệu người xuất ngoại và đi du lịch trong năm nay, điều đó vẫn có thể gây áp lực giảm dự trữ ngoại hối lên tới hàng chục tỉ USD của Trung Quốc.” 

Ông Chen ước tính rằng dòng vốn du lịch có thể đạt từ 100-200 tỉ USD trong năm nay, điều không xảy ra trong 3 năm qua do các hạn chế của Covid. Ông cho rằng dòng vốn chảy ra sẽ tạo áp lực lên đồng nhân dân tệ, nhưng ngân hàng trung ương vẫn có thể can thiệp để giữ đồng tiền này ở mức định giá cao.

Các gia đình Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những thách thức trong việc di cư. Theo bà Iris Pang, nhà kinh tế của Greater China, nền kinh tế đang đi xuống của một số điểm đến phổ biến như châu âu và Mỹ có thể ảnh hưởng đến khả năng tìm việc làm của một số người Trung Quốc tại  những khu vực này. Các chính sách xung quanh việc nhập cư cũng đang được thắt chặt ở khắp mọi nơi từ Bồ Đào Nha đến Malta. 

Theo một nhân viên ngân hàng tư nhân, các cá nhân giàu có cho biết chi phí chuyển tiền ra nước ngoài đã tăng lên 12 cent/USD vào cuối năm ngoái so với 1 cent trong những năm trước đại dịch, do chính phủ siết chặt việc chuyển tiền.

Có thể bạn quan tâm: 

Kim ngạch xuất khẩu ô tô của Hàn Quốc cao kỷ lục, vì sao?

Nguồn Bloomberg