Tâm lý của nhà đầu tư về Trung Quốc đã xấu đi trong tháng qua. Ảnh: Reuters.

 
Lam Ngọc Thứ Ba | 25/06/2024 08:29

Dòng tiền đang chảy khỏi Trung Quốc

Giới đầu tư đại lục đang đổ xô đến Hong Kong để tìm kiếm lợi suất tốt hơn, do lợi suất trong nước thấp và khả năng lãi suất còn giảm thêm.

Trong tuần này, đồng nhân dân tệ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng, cùng với đó là sự đảo chiều trong dòng đầu tư cổ phiếu vào Trung Quốc. Các nhà phân tích cho biết, lượng dự trữ nhân dân tệ tại Hong Kong cũng đã tăng lên, khi các nhà đầu tư đại lục tìm kiếm lợi suất cao hơn thông qua các kênh đầu tư nước ngoài và các công ty niêm yết chuẩn bị trả cổ tức hằng năm. Điều này tạo ra áp lực lớn đối với đồng tiền này.

“Tâm lý của nhà đầu tư về Trung Quốc đã xấu đi trong tháng qua, khi thị trường được kỳ vọng tăng trưởng trước khi có sự cải thiện về dữ liệu kinh tế vĩ mô, nhưng kết quả lại không đạt kỳ vọng. Tâm lý của các nhà đầu tư đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm thị trường đại lục bị coi là không đáng để đầu tư”, ông Gary Tan, Nhà quản lý danh mục đầu tư tại Allspring Global Investments ở Singapore, cho biết.

Tuy nhiên, sau nhiều tháng chờ đợi, chính phủ Trung Quốc triển khai các biện pháp kích cầu, nhất là để hỗ trợ ngành bất động sản đang chìm sâu trong khủng hoảng, sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư đã giảm đi nhiều. Chỉ số chứng khoán chuẩn Thượng Hải đã tăng 20% từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 5, nhưng sau đó đã giảm 6%.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại thị trường từ tháng 2 sau khi rút lui vào năm 2023. Thế nhưng, khối ngoại đã bán ròng chứng khoán Trung Quốc trong tháng này trị giá 33 tỉ nhân dân tệ (4,54 tỉ USD) thông qua cơ chế kết nối chứng khoán Stock Connect Scheme giữa đại lục với Hong Kong. Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước đã bơm 129 tỉ nhân dân tệ vào Hong Kong.

Giới phân tích cho biết, các nhà đầu tư có nhiều lý do để dừng lại và suy ngẫm, không chỉ về việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ giảm lãi suất, mà còn về đại hội đảng tháng 7 sắp tới để định hình chính sách kinh tế và tài chính.

Theo ông Chi Lo, Chiến lược gia thị trường cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại BNP Paribas Asset Management, các quỹ nước ngoài, mặc dù ở vị thế trung lập đối với cổ phiếu Trung Quốc, đang trở nên tích cực. “Chính quyền Bắc Kinh có khả năng sẽ tiếp tục các biện pháp nới lỏng hơn so với 18 tháng qua, và đại hội sẽ nhấn mạnh lại định hướng chính sách đó”, ông nói.

Một đồn đoán gần đây nổi lên rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ để cho đồng nhân dân tệ mất giá thêm, nhằm giải tỏa áp lực. Đồng tiền này đã giảm 2,2% so với đồng USD trong năm nay.

Dòng tiền từ đại lục đổ vào Hong Kong đã làm tăng lượng tiền gửi nhân dân tệ tại trung tâm tài chính này lên mức kỷ lục. Dữ liệu trong tháng 4 cho thấy số tiền này đạt 1.090 tỉ nhân dân tệ (150 tỉ USD), gần mức đỉnh được thấy vào tháng 1/2022. 

Bà Ju Wang, Chuyên gia về chiến lược tiền tệ và lãi suất khu vực Trung Quốc tại BNP Paribas, cho biết các nhà đầu tư đại lục đang đổ xô đến Hong Kong để tìm kiếm lợi suất tốt hơn, do lợi suất trong nước thấp và khả năng lãi suất còn giảm thêm.

Dòng chảy liên tục của đồng nhân dân tệ sang Hong Kong, cùng với hoạt động chuyển tiền truyền thống trong tháng 6-7 của các công ty Trung Quốc để chuẩn bị cho việc trả cổ tức tại Hong Kong cũng dẫn đến việc bán nhân dân tệ ngoài đại lục và đẩy cao nhu cầu đối với đồng HKD. Từ đầu tháng 5 cho đến nay, đồng nhân dân tệ đã giảm 1,9% so với HKD.

Trong khi đó, kỳ vọng về việc lãi suất đồng USD đạt đỉnh khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) chuẩn bị nới lỏng chính sách cũng đã thu hút tiền vào Hong Kong. Do đồng HKD neo vào đồng USD nên động thái của FED sẽ tác động đến nền kinh tế của Hong Kong.

“Cắt giảm lãi suất của Mỹ là rất quan trọng đối với thanh khoản của Hong Kong do sự neo buộc tỉ giá. Một khi FED bắt đầu cắt giảm lãi suất, dự kiến có sự tràn ngập thanh khoản ở Hong Kong, và điều này sẽ đẩy giá tài sản lên cao”, ông Lo nói.

Có thể bạn quan tâm:

Nền kinh tế Đức đối mặt khủng hoảng dân số

Nguồn Reuters