Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh việc đưa đồng nhân dân tệ vào các thanh toán với các đối tác thương mại lớn. Ảnh: SCMP.
Đồng nhân dân tệ đe dọa vị thế của đồng USD ra sao?
Kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu chiến dịch thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất nhằm chống lại lạm phát vào năm ngoái, sức mạnh của đồng bạc xanh luôn là chủ đề được các nhà đầu tư và giới phân tích quan tâm trên thị trường chứng khoán. Gần đây, bất chấp Fed có những dấu hiệu có thể tạm dừng nâng lãi suất từ tháng 5 và cắt giảm vào nửa cuối năm nay, thì giá trị của đồng USD vẫn ở mức cao so với một số đồng tiền có giá trị cao khác.
Trong một cuộc thảo luận giữa các nhà kinh tế học, một số ý kiến cho rằng cần giảm bớt sự USD hóa trong các hoạt động thương mại và tài chính toàn cầu để hướng đến sự đa dạng hóa của các loại tiền tệ. Trước đây, mọi người đều có nhận định đằng sau đồng USD sẽ là đồng euro và đồng yen Nhật, tuy nhiên đồng nhân dân tệ đang nổi lên như một đối thủ “đáng gờm”.
Trong quá khứ, đồng bạc xanh là “vua” của mọi loại tiền tệ trên toàn cầu, và dường như không có một thách thức nào có thể làm lung lay vị thế của đồng tiền này. Ngay cả đồng euro và đồng yen cũng không thể đe dọa đồng USD, bởi khi đó nền kinh tế Mỹ vượt trội hơn rất nhiều so với các nền kinh tế khác từ góc độ vĩ mô.
Đồng euro và đồng yen vẫn không phải là đối thủ với đồng USD. Ảnh: SCMP. |
Quá khứ của đồng euro và đồng Yên
Những năm 1980, Nhật nổi lên với tốc độ tăng trưởng kinh tế như vũ bão, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực công nghệ với Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, vào năm 1991, Nhật như một “chiếc động cơ đã mất hết động lực” bởi tỉ lệ dân số già tăng cao, “bong bóng” kinh tế vỡ khiến những nỗ lực thu hẹp khoảng cách với Mỹ trước đó trở nên vô nghĩa.
Giảm phát xảy ra tại Nhật khi Ngân hàng Trung ương nước này bắt đầu thực hiện chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo, bao gồm can thiệp thị trường và lãi suất dài hạn ở mức thấp nhất. Sức mạnh của Nhật trong hoạt động kinh tế và tài chính toàn cầu sau đó đã giảm đi nhanh chóng.
Về phía đồng euro thì có sự trái ngược với đồng tiền Nhật. Sức hấp dẫn của đồng tiền này dựa vào tình hình địa chính trị cũng như sức mạnh kinh tế vĩ mô và tài chính. Sự ra đời của đồng euro vào năm 1999 đã mang lại nhiều điều hơn là sự hài hòa của một khối kinh tế Tây Âu, vốn có dân số đông hơn Mỹ và có tính cạnh tranh cao hơn về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), năng suất cũng như công nghệ.
Theo đó, từng thành viên khi tham gia vào Liên minh châu Âu (EU) đều có nhiệm vụ mở rộng và góp phần vào sự tăng trưởng của đồng euro, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế chung đi lên. Dẫu vậy, đồng tiền này vẫn chưa đủ lực để có thể vượt mặt đồng USD dù đã 25 năm kể từ lần đầu tiên phát hành.
Khác với Mỹ, hoạt động mở rộng thị trường và đồng tiền chung của EU không dựa vào quan điểm chính trị và quản lý kinh tế. Thay vào đó, cuộc khủng hoảng khu vực của đồng euro năm 2010-2012 cho thấy, trái phiếu chính phủ không thể thay thế được và rủi ro tiềm ẩn với rủi ro tài chính là hoàn toàn khác nhau.
Những nỗ lực cạnh tranh của đồng nhân dân tệ
Không giống như Nhật và EU, những nỗ lực nhằm quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc rất rõ ràng và có chủ ý. Chính phủ nước này đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích các chủ thể tài chính toàn cầu sử dụng đồng tiền của họ, song song với quá trình mở rộng kinh tế chung của đất nước.
Theo tờ SCMP, Trung Quốc đã tận dụng tốt lợi thế thương mại, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đẩy mạnh việc đưa đồng nhân dân tệ vào các thanh toán với các đối tác thương mại lớn, xây dựng sức mạnh của đồng tiền này nhằm thách thức vị thế thống trị của đồng bạc xanh.
Cụ thể, Nga và Trung Quốc đang giao dịch khí đốt bằng nhân dân tệ và đồng Rúp. Ả Rập Saudi cũng đang xem xét giao dịch bằng đồng nhân dân tệ với Trung Quốc. Hay Tổng thống Brazil - Luiz Inacio Lula da Silva cho biết, ông ủng hộ một loại tiền tệ giao dịch thay thế cho nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Ngoài ra, theo một số nguồn tin, các quan chức Trung Quốc đang tích cực “vận động hành lang” để đưa nhân dân tệ thành đơn vị tiền tệ trong giao dịch dầu thô với các nước Trung Đông, trực tiếp thách thức petrodollar, hệ thống thanh toán trao đổi dầu lấy đô la Mỹ giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước nhập khẩu loại hàng hóa này.
Song, nhiều chuyên gia trong ngành cho biết, dù đồng nhân dân tệ đang được các quốc gia sử dụng nhiều hơn để đa dạng hóa hoạt động thanh toán và dự trữ ngoại hối, nhưng tỉ trọng thanh toán quốc tế bằng đồng USD vẫn gần như ổn định ở mức khoảng 40%, trong khi đồng euro chiếm khoảng 30% các giao dịch ngoài khu vực EU. Mặt khác, tỉ lệ dự trữ của đồng USD cũng tăng đáng kể so với mức thấp nhất sau năm 2008.
Các hệ thống thanh toán song song như Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS) đang phát triển, nhưng thông tin hiện có cho thấy chúng ít ảnh hưởng đến việc định giá thương mại, dự trữ quốc tế hoặc tài sản tài chính nói chung. Hiện tại, việc tiếp nhận CIPS chỉ được thúc đẩy bởi các yếu tố địa chính trị hơn là các cân nhắc về kinh tế hoặc tài chính.
Trong quá khứ, đồng bạc xanh là "vua" của mọi loại tiền tệ. Ảnh: TL. |
Các dữ liệu kinh được công bố trong thời gian gần đây không cho thấy sự dịch chuyển nhanh chóng hoặc đáng kể khỏi đồng USD. Do đó, đồng nhân dân tệ hiện vẫn chưa có nhiều dấu hiệu về sự chuyển đổi hoàn toàn, mọi câu chuyện vẫn xoay quanh mục tiêu phi USD hóa về địa chính trị hơn là cạnh tranh vĩ mô hay tài chính.
Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm rằng, việc cân nhắc sử dụng đồng tiền liên quan đến các vấn đề về địa chính trị sẽ phù hợp với một số nước đang phát triển, nhưng những quốc gia nắm giữ dự trữ lớn trên thế giới, ngoài Trung Quốc và Nga, không có nhiều khả năng sẽ chuyển đổi đồng tiền dự trữ từ đồng USD sang một loại tiền tệ khác.
Quá trình phi đô la hóa thực sự vẫn chưa có những tín hiệu khả quan trong ngắn hạn. Điều có nhiều khả năng hơn là sự phân mảnh tiếp tục của các khoản thanh toán quốc tế sang các loại tiền tệ khác. Tuy nhiên, đồng bạc xanh vẫn có khả năng sẽ bị thay thế nếu triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ bị chậm lại cộng với lực cản từ những đợt tăng lãi suất liên tục để kiềm chế lạm phát của Fed.
Có thể bạn quan tâm:
Công nghệ cấy chip não của tỉ phú Elon Musk được cấp phép thử nghiệm trên người
Nguồn SCMP