Ảnh: theaseanpost.com
Đông Nam Á trước nguy cơ suy thoái kinh tế
Mặc dù không rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, song những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của khu vực Asean, như đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc và nhu cầu hàng hóa lớn từ các nước trên thế giới, đã giảm đi rất nhiều.
Trang The Asean Post trích dẫn báo cáo của công ty tư vấn toàn cầu Bain & Co cho biết, đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Asean cũng sẽ không giúp khu vực này tránh khỏi rủi ro nếu các khu vực khác trên thế giới rơi vào suy thoái. Các công ty và thâm chí cả ngành công nghiệp có thể sẽ bị tổn hại nhiều hơn, do sự liên kết mạnh mẽ với với các khu vực, lĩnh vực khác hoặc giá cả hàng hóa.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 do xung đột thương mại và bất ổn chính sách gia tăng.
Ông Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD nói rằng, nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược, và tăng trưởng giảm tốc đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại.
Có tới 8/10 quốc gia ở khu vực Asean có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, ngoại trừ Philippines và Việt Nam. Xuất phát điểm thấp là một mối lo, vì điều này làm tăng nguy cơ suy thoái kỹ thuật, nghĩa là tăng trưởng âm trong 2 quý liên tiếp.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế Đông Nam Á vừa được công bố mới đây, Viện Kế toán công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW) dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế trên toàn khu vực sẽ giảm từ mức 5,1% trong năm 2018 xuống còn 4,5% trong năm 2019.
Tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2006 - 2018 của các nước Asean. Ảnh: theaseanpost.com |
Giám đốc khu vực (Trung Quốc và Đông Nam Á) của ICAEW, ông Mark Billington, lưu ý, các điều kiện bên ngoài đầy thách thức dự kiến sẽ tiếp tục tạo sức ép lên tăng trưởng chung của các nền kinh tế và dòng chảy thương mại.
Bên cạnh đó, cán cân tài khoản vãng lai của Asean thời gian gần đây cũng đã suy giảm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. 5/10 quốc gia đã rơi vào tình trạng thâm hụt do tỷ trọng xuất khẩu trên tổng GDP suy giảm – điều này có nghĩa là các quốc gia này đang bị phụ thuộc vào các dòng vốn nhiều hơn.
Trong quý II/2019, thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Asean là 8,4 tỷ USD - bằng 3,4% GDP, cao hơn nhiều so với mức 7 tỷ USD được ghi nhận so với cùng kỳ năm ngoái.
Với nhiều mối liên kết mạnh mẽ về thương mại và tài chính, kinh tế Asean phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu tới các nước khác. Trong đó Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Asean trong chín năm qua. Nửa đầu năm 2019, lần đầu tiên Asena vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc, sau EU.
Tuy nhiên, theo Economist Intelligence Unit - tổ chức nghiên cứu kinh tế có trụ sở tại Anh, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm từ 12,7% năm 2006 xuống còn 6,6% vào năm 2018. Do đó, việc gia tăng sự phụ thuộc vào nền kinh tế này khiến Asean đối mặt với nhiều rủi ro. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn còn nhiều diễn biến khó lường.
Đóng góp của hàng hóa vào GDP đã giảm từ 23% xuống 18%. Với việc giá và doanh số bán đều suy giảm, xuất khẩu sẽ khó là bệ đỡ cho các nền kinh tế Asean khi suy thoái xảy ra.
Trong khi đó, các khoản nợ của doanh nghiệp và hộ gia đình trên tổng GDP đã tăng đáng kể ở các nước Đông Nam Á. Ở nhiều nước, các khoản nợ này đã tăng cao so với năm 2008, 2009 và đạt ở mức của các thị trường phát triển như Mỹ.
Bên cạnh việc mỗi quốc gia trong khu vực cần phải xây dựng những chính sách riêng, các nước Asean vẫn cần phải hội nhập với nhau sâu rộng nữa, để đối phó với một cuộc suy thoái có thể xảy ra.
►VDSC: Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới
►Thủ tướng Trung Quốc: Rất khó để duy trì tăng trưởng kinh tế từ 6% trở lên