Đông Nam Á từng được kỳ vọng sẽ vươn lên như một khối kinh tế mạnh mẽ, nhưng thực tế cho thấy các quốc gia vẫn đang phát triển theo những hướng khác nhau. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Thứ Năm | 13/02/2025 15:31

Đông Nam Á tìm lại "tiếng gầm"

Từng được kỳ vọng là "những con hổ châu Á", Đông Nam Á đứng trước nhiều thách thức khi Trung Quốc chuyển từ động lực hỗ trợ sang đối thủ cạnh tranh.

Vào những năm 1980, khi đồng yen tăng giá, làn sóng đầu tư từ các tập đoàn Nhật Bản ồ ạt tràn vào Đông Nam Á. Khi đó, Panasonic (tiền thân là Matsushita) đóng góp 2-3% GDP của Malaysia nhờ xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng. Các hãng xe Nhật Bản như Toyota, Honda cũng xây dựng dây chuyền sản xuất ô tô tại Thái Lan, trong khi các tập đoàn thương mại lớn như Mitsui và Mitsubishi nhập khẩu dầu khí từ Indonesia về Nhật Bản.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện trước khi Trung Quốc nổi lên như một công xưởng của thế giới vào những năm 1990.

Lợi thế của Trung Quốc không chỉ nằm ở lực lượng lao động khổng lồ chuyển từ nông thôn lên thành thị, mà còn nhờ vào chính sách cải cách của lãnh đạo đất nước và quy mô sản xuất vượt trội. Những nhà máy khổng lồ như Foxconn có tới 300.000 lao động, giúp Trung Quốc nhanh chóng chiếm lĩnh các lĩnh vực quan trọng như pin, năng lượng tái tạo và xe điện, bỏ xa các nước Đông Nam Á.

Khi Trung Quốc không còn là động lực tăng trưởng cho ASEAN

Nhưng giờ đây, sự lạc quan về Trung Quốc đang phai nhạt. Kinh tế suy giảm khiến thị trường bất động sản và chứng khoán lao dốc, trong khi lãi suất ngân hàng gần như bằng không. Sức mua nội địa không còn đủ mạnh để tiêu thụ lượng hàng khổng lồ do Trung Quốc sản xuất, buộc chính quyền Bắc Kinh phải đẩy mạnh xuất khẩu. Điều này khiến Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của ASEAN, thay vì là động lực hỗ trợ khu vực như giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Thái Lan là một trong những quốc gia cảm nhận rõ sự thay đổi này. Ngành công nghiệp ô tô của nước này từng sản xuất khoảng 2 triệu xe mỗi năm, với 900.000 chiếc tiêu thụ trong nước và phần còn lại xuất khẩu. Lĩnh vực này đóng góp từ 10-12% GDP Thái Lan, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động, tương đương 16% lực lượng lao động cả nước, theo dữ liệu của Bank of America.

Thế nhưng, năm ngoái, doanh số bán xe lao dốc xuống mức thấp nhất trong 14 năm. Nguyên nhân không chỉ do sức mua giảm mà còn vì một cuộc khủng hoảng tín dụng khiến nhiều người không thể tiếp cận vay mua xe, dẫn đến vòng xoáy suy giảm, và dần mất lợi thế cạnh tranh toàn cầu trước Trung Quốc.

Indonesia, dù sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào, cũng không khá hơn. Theo Emerging Advisors Group, đà phục hồi nội địa của nước này đang chững lại, chu kỳ tín dụng suy yếu và các chỉ số hoạt động kinh tế địa phương giảm dần. Trong bối cảnh Mỹ duy trì lãi suất cao và tái định hình chuỗi cung ứng, các ngân hàng trung ương khu vực khó có thể hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng.

Thách thức từ Trung Quốc đối với châu Á càng trở nên gay gắt trong bối cảnh Mỹ đang thúc đẩy chiến lược tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và đưa sản xuất về nước. Lãi suất cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giữ đồng USD ở mức mạnh, khiến hầu hết các ngân hàng trung ương khu vực không thể hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng. Trong quý IV/2023, tổng dự trữ ngoại hối của châu Á giảm 48 tỉ USD, trong khi dòng vốn đầu tư vào khu vực chỉ đạt 24 tỉ USD, giảm mạnh so với con số gần 62 tỉ USD của năm trước, theo ANZ Research.

"Châu Á sẽ đối mặt với cú sốc kép: Thuế quan gia tăng từ Mỹ đối với hàng xuất khẩu, trong khi nhu cầu từ Trung Quốc với hàng trung gian của khu vực lại suy giảm”, bà Helen Qiao, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại Bank of America, nhận định.

Vẫn còn những điểm sáng

Dù bức tranh chung khá ảm đạm, một số nền kinh tế Đông Nam Á vẫn tìm thấy cơ hội.

Tại Việt Nam, vai trò của Hàn Quốc đối với nền kinh tế đất nước ngày càng giống cách Nhật Bản từng giúp Malaysia phát triển trước đây. Việt Nam hiện thiếu lao động cho các nhà máy lớn, khiến các doanh nghiệp như tập đoàn dệt may Youngone (Hàn Quốc) phải mở rộng sản xuất sang Bangladesh do không đủ nhân công.

Lào, quốc gia không giáp biển, từng gặp khó khăn trong thu hút đầu tư do không có cảng biển, nhưng giờ đây lại hưởng lợi lớn từ xuất khẩu thủy điện, một lợi thế ngày càng quan trọng trong bối cảnh khu vực khát năng lượng sạch.

Malaysia cũng tận dụng lợi thế vị trí gần Singapore để thúc đẩy tăng trưởng. Theo ông Johanna Chua, Chuyên gia kinh tế châu Á tại Citigroup, khu kinh tế đặc biệt Johor-Singapore có thể thu hút các tập đoàn đa quốc gia muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Dù có những điểm sáng, Đông Nam Á vẫn chưa thể lấy lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ như trước đây. Khu vực từng được kỳ vọng là những "con hổ châu Á", nhưng giờ đây nhiều nền kinh tế đang chật vật tìm lại "tiếng gầm" của mình trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.

Có thể bạn quan tâm:

Bắc Âu: Công thức vàng tạo nên những tập đoàn hàng đầu thế giới

Nguồn Nikkei Asia