Nhà máy quang điện mặt trời của EDPR Sunseap Group ở Woodlands, Singapore. Ảnh: Getty Images.

 
Hải Miên Thứ Tư | 18/10/2023 10:16

Đông Nam Á tập trung toàn lực cho năng lượng tái tạo

Theo Trung tâm Năng lượng ASEAN, nếu không thay đổi, các quốc gia khu vực sẽ trở thành nhà nhập khẩu ròng khí đốt tự nhiên và than trong tương lai gần.

Theo CNBC, Đông Nam Á là nơi có một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Khi nhu cầu năng lượng tăng lên, khu vực này đang chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để bảo vệ an ninh năng lượng của mình.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu năng lượng ở Đông Nam Á đã tăng trung bình 3% mỗi năm trong 2 thập kỷ qua, xu hướng này sẽ tiếp tục đến năm 2030 theo các chính sách hiện hành.

 

Nhưng nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm ưu thế trong cơ cấu năng lượng của khu vực, chiếm khoảng 83% vào năm 2020 so với tỉ trọng 14,2% của năng lượng tái tạo trong cùng kỳ, nghiên cứu từ Trung tâm Năng lượng ASEAN cho thấy.

Trung tâm cho biết, đến năm 2050, dầu, khí đốt tự nhiên và than đá sẽ chiếm 88% tổng nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp tại đây.

Ông Zulfikar Yurnaidi, Giám đốc mô hình hóa năng lượng và hoạch định chính sách tại Trung tâm Năng lượng ASEAN, cho biết: “Sự phụ thuộc nặng vào nhiên liệu hóa thạch làm khu vực dễ bị ảnh hưởng trước những cú sốc về giá năng lượng và hạn chế nguồn cung.

Các sự kiện toàn cầu như đại dịch và cuộc chiến Nga - Ukraine đã đẩy giá dầu lên cao trong những năm gần đây, với giá dầu chuẩn đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ vào tháng 3 năm ngoái. Mới tuần trước, giá dầu tăng gần 6% khi căng thẳng ở Trung Đông giữa Israel và Hamas leo thang.

Trung tâm Năng lượng ASEAN ước tính nếu các quốc gia Đông Nam Á không thực hiện những bước tiến quan trọng hoặc bổ sung vào cơ sở hạ tầng sản xuất hiện có, khu vực này sẽ trở thành nhà nhập khẩu ròng khí đốt tự nhiên vào năm 2025 và than đá vào năm 2039. Điều đó sẽ làm tăng giá nhiên liệu hóa thạch và gây thêm căng thẳng cho người tiêu dùng.

Ông Yurnaidi cho biết, để ngăn chặn điều này, khu vực phải đa dạng hóa các nguồn năng lượng để tăng trưởng kinh tế và an ninh. Ông Thoo cho biết, hầu như tất cả các thị trường Đông Nam Á đã có những bước tiến trong việc công bố các mục tiêu năng lượng tái tạo và xây dựng kế hoạch chuyển đổi năng lượng giảm thiểu carbon.

Ông Yurnaidi chia sẻ thêm: “Nhìn chung, các chính sách và xu hướng của khu vực cho thấy các nước đang mong muốn chuyển đổi sang năng lượng sạch”.

Trong bối cảnh đó, vào tháng 5, Việt Nam đã công bố Kế hoạch Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII), cam kết tăng cường năng lượng gió và khí đốt đồng thời giảm sự phụ thuộc vào than.

Chính phủ cho biết, các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời dự kiến chiếm ít nhất 31% nhu cầu năng lượng quốc gia vào năm 2030. Theo kế hoạch, tất cả các nhà máy than phải được chuyển đổi sang nhiên liệu thay thế hoặc ngừng hoạt động vào năm 2050. 

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn CNBC