Báo quốc tế
Đông Nam Á sẽ thành lập một quỹ chung để "thoát" Trung?
Thái Lan đang dẫn đầu sáng kiến thành một quỹ khu vực với các nước láng giềng, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển khác và giảm bớt sự phụ thuộc vào đầu tư của Trung Quốc.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha dự kiến sẽ đề xuất ý tưởng này cho các nhà lãnh đạo của năm quốc gia ở Thái Lan vào ngày 16.6 tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 của Tổ chức Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS). Tổ chức khu vực này do Thái Lan khởi xướng vào năm 2003.
Quỹ này sẽ hoạt động vào năm 2019, Arthayudh Srisamoot, Thứ trưởng thường trực của Bộ Ngoại giao Thái Lan, nói với tạp chí Nikkei. Để sớm đưa kế hoạch này vào thực tiễn, Thái Lan có thể góp một phần vốn lớn, có thể là hàng triệu USD, ông Srisamoot chia sẻ.
Quỹ này cũng hoan nghênh vốn góp từ các tổ chức tài chính và các nước ngoài khuôn khổ ACMECS. Quỹ cũng sẽ huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán và trái phiếu bằng cách phát hành nợ cho các dự án như các dự án sản xuất điện, khởi xướng bởi ACMECS.
Mặc dù vẫn chưa thảo luận kế hoạch chi tiết, các nước thành viên sẽ nắm quyền kiểm soát quỹ bằng cách thành lập một kho bạc chung hoặc thành lập một ban quản lý.
Ý tưởng về một quỹ khu vực đã manh nha tại một số quốc gia ở Đông Nam Á lưu hành, bao gồm ASEAN, nhưng nó đã không đạt nhiều bước tiến do lợi ích khác nhau và vì các nước đang ở những giai đoạn phát triển khác nhau.
Hiện tại, các nước trong khu vực đang tiếp nhận vốn từ nước ngoài chủ yếu thông qua các hiệp định song phương với các nước bên ngoài khu vực hoặc từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát triển Châu Á.
Trong khi Nhật Bản và các nước phương Tây luôn là những nhà đầu tư lớn, Trung Quốc gia tăng tài trợ cho khu vực đặc biệt là trong những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp với Sáng kiến Một Vành đai, Một con đường của nước này. Thông qua một khuôn khổ đa quốc gia giữa Trung Quốc và năm nước Mekong, Bắc Kinh đã hứa hẹn khoảng tài trợ hơn 10 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) cho các khoản vay ưu đãi.
Tuy nhiên, cái giá dành cho những khoản tài trợ như thế là rất đắt. Ví dụ ở Lào, các dự án lớn như đập, Trung Quốc đã tài trợ và xây dựng đường cao tốc và đường sắt tại đất nước triệu voi để đổi lấy quyền khai thác và phát triển đất.
"Nhiều nước trong khu vực, trong khi họ chào đón đầu tư từ một số quốc gia nhất định, họ cũng muốn giữ cân bằng... không phải chỉ dựa vào một quốc gia", Arthayudh nói.
Một quỹ khu vực cũng có thể giúp cải thiện sự phối hợp giữa các nước trong khu vực. Trung Quốc đang tài trợ xây dựng những con đập dọc theo sông Mekong ở Lào và Campuchia nhưng các dự án này đang đe dọa hệ sinh thái nông nghiệp ở hạ lưu Việt Nam.
"Tốt hơn là các nước ACMECS nên có sự đồng thuận và chiến lược chung trong trước khi chúng ta viện nhờ sự giúp đỡ của các nước khác như Trung Quốc”, ông Arthayudh nói.
Quỹ do Thái Lan khởi xướng sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án theo kế hoạch tổng thể 2019-2023 của ACMECS sẽ được thông qua trong hội nghị thượng đỉnh ngày 16.6. Kế hoạch chủ yếu tập trung vào việc tăng cường kết nối giữa 5 quốc gia bằng cách nâng cấp các hành lang kinh tế Đông-Tây và Bắc-Nam. Các quy tắc thương mại và hậu cần sẽ được hài hòa và cải thiện cơ sở hạ tầng. Năm quốc gia cũng sẽ làm việc cùng nhau để phát triển nền tảng công nghệ thông tin, vốn cũng có thể được tài trợ bởi quỹ.
Giáo sư Prapat Thepchatree tại Khoa khoa học chính trị của Đại học Thammasat nói rằng quỹ khu vực là một cách tốt để giảm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong ASEAN.
"Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc là một vấn đề lớn trong ASEAN," ông nói. "Myanmar, Lào và Campuchia đã phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư và thương mại nhưng điều đó đi kèm với một sự đánh đổi về tự do kinh tế của họ".
Nhưng ông đã chỉ ra rằng việc gọi vốn sẽ là một vấn đề chính. Ông nói: "Chỉ có một số nước ASEAN giàu có mới có khả năng để đóng góp một số tiền lớn, ví dụ như Singapore. Ngay cả Thái Lan và Malaysia cũng khó lòng góp những khoản tiền lớn".
Nguồn Nikkei