Chủ Nhật | 30/06/2013 10:29

Đông Nam Á – Nôi khủng hoảng kinh tế tiếp theo của thế giới?

Các nền kinh tế trong khu vực tăng trưởng quá nóng không tránh khỏi đối mặt với một giai đoạn điều chỉnh.
Đông Nam Á, được biết đến lâu nay như một ngã rẽ của nền kinh tế thế giới, đã trở thành một lối mòn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi họ tìm kiếm nơi trú ẩn khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sở dĩ Đông Nam Á được nhà đầu tư lựa chọn làm điểm đến vì khu vực này tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm qua, ngay cả khi các kinh tế phương Tây “đổ bệnh”, kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ “hắt hơi sổ mũi”.

Khi nhận ra được tiềm năng phát triển của khu vực, thành công nối tiếp thành công. Indonesia đang trên đà trở thành nền kinh tế nghìn tỷ đô la đầu tiên của khu vực, và đạt xếp hạng tín dụng mức khuyến khích đầu tư lần đầu tiên trong vòng 14 năm vào cuối 2011.

Philippines cũng đạt xếp hạng cấp đầu tư lần đầu tiên vào đầu năm nay đồng thời thách thức Ấn Độ trở thành nước cung cấp dịch vụ ngoại biên hàng đầu thế giới. Philippines cũng là quốc gia tăng trưởng GDP 7,8% trong quý I năm nay, mạnh nhất châu Á. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự bùng nổ trong ngành sản xuất tại Malaysia và Thái Lan.

Thủ đô Jakarta, Indonesia
Thủ đô Jakarta, Indonesia.

Tuy nhiên, ngay khi mọi thứ dường như đang rất suôn sẻ đối với kinh tế Đông Nam Á, những “vết nứt” bắt đầu xuất hiện. Các nhà kinh tế học tin rằng kinh tế Đông Nam Á sẽ tránh được sự đổ vỡ, tuy nhiên, họ vẫn không thể phủ nhận nền kinh tế khu vực trong vài năm tới sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các sự kiện tại châu Âu và các khu vực đầy biến động khác của hệ thống kinh tế toàn cầu, thay vì phụ thuộc nhiều vào quyết định của chính quyền địa phương và ngân hàng trung ương.

Quá nhiều đôi khi không tốt

Khi nhà đầu tư trên thế giới ngày càng lạc quan vào Đông Nam Á, trong khi những nơi còn lại của thế giới thì dường như không còn mấy hứa hẹn, vốn nước ngoài bắt đầu ồ ạt chảy vào khu vực này. Tuy nhiên, quá nhiều đôi khi lại không tốt. Giá bất động sản tăng nhanh và thị trường chứng khoán leo thang: bong bóng tài sản bắt đầu hình thành.

Chẳng hạn, chứng khoán Philippines tăng tới 20% trong nửa đầu năm nay sau khi tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2012 và trở thành một trong những thị trường chứng khoán "nóng" nhất hiện nay trên thế giới. Lượng tiền khổng lồ cũng kích thích tiêu dùng nội địa, tín dụng được người dân tiếp cận một cách dễ dàng và tích lũy các khoản nợ gia đình.

Sàn giao dịch chứng khoán Philippines
Sàn giao dịch chứng khoán Philippines.

Trong khi đó, các nền kinh tế Đông Nam Á, dù đạt sự tăng trưởng ấn tượng, đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu của sự căng thẳng khi rõ ràng nó không còn miễn dịch với những khó khăn của kinh tế toàn cầu. Kinh tế phương Tây suy thoái, Trung Quốc chững lại và kết quả là xuất khẩu của Đông Nam Á suy giảm cùng với giá hàng hóa.

Giao dịch mạnh mẽ giữa các quốc gia phía Nam, từng giúp cách ly khu vực khỏi các tác động của khủng hoảng kinh tế phương Tây, giờ cũng không còn nhiều tác dụng khi Brazil và một số quốc gia đang phát triển lớn khác đang đối mặt với tăng trưởng chậm.

Trong nửa đầu năm 2013, Đông Nam Á bắt đầu phải đối mặt với những khó khăn. Rajiv Biswas, giám đốc cấp cao và nhà kinh tế học châu Á – Thái Bình Dương tại IHS chỉ ra rằng, các chương trình nới lỏng tiền tệ của Mỹ và Nhật Bản gây bất ổn đến khu vực Đông Nam Á. Khi tiền được ngân hàng trung ương các nước này bơm ra nền kinh tế, một dòng tiền lớn trong số đó đã chảy vào Đông Nam Á. Vấn đề ở chỗ, các dòng tiền này dễ dàng chảy vào và cũng dễ dàng đổi hướng khỏi Đông Nam Á một khi niềm tin của nhà đầu tư vào khu vực nguội lạnh. Nếu điều này xảy ra, tiền tệ và thị trường chứng khoán khu vực sẽ “lãnh đủ”.

Ông Javant Menon, nhà kinh tế học hàng đầu tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì cho rằng vẫn còn cơ sở để lạc quan vào Đông Nam Á. Theo ông, bất chấp những lo ngại về triển vọng kinh tế khu vực, dòng tiền sẽ chưa thể nhanh chóng tháo chạy khỏi khu vực khi hiện nay chưa có môi trường nào nào hấp dẫn nhà đầu tư hơn. Ông cũng bác bỏ lập luận rằng châu Á đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng tài chính. Lý giải điều này, ông Menon cho biết, các chính phủ khu vực hiện đã được cơ cấu hiệu quả hơn và có dự trữ ngoại hối đủ để làm đệm trước nguy cơ sụp đổ tiền tệ.

Tuy nhiên, Menon cũng phải công nhận rằng, một làn sóng bất ổn đang len lỏi vào khu vực. “Nhà đầu tư nước ngoài từng ồ ạt đổ tiền vào khu vực thì giờ họ nhận ra những điểm yếu và rủi ro đang ngày càng hiện hữu”, Menon tiếp tục. “Câu hỏi duy nhất đặt ra là bao giờ và bằng cách nào nhà đầu tư nước ngoài sẽ từ từ rút chân khỏi khu vực, hay họ sẽ tháo chạy một cách bất ngờ và ồ ạt.”

Những điểm yếu

Theo Menon, Indonesia - nền kinh tế lớn nhất khu vực cũng là mối lo ngại lớn nhất. Dù Việt Nam được cho là còn nhiều khó khăn hơn, tác động của nó đến phúc lợi của khu vực không quá lớn. Nếu kinh tế Indonesia bị tổn thương, nó sẽ khiến cả thế giới phải chú ý, trong khi kinh tế Việt Nam có thể trải qua sự điều chỉnh lớn mà không ảnh hưởng nhiều đến khu vực, Menon nói.

Là một trong những thị trường mới nổi hứa hẹn nhất, Indonesia đã tận hưởng một lượng lớn đầu tư và các dòng vốn nước ngoài. Nhưng quốc gia này thời gian gần đây đang thâm hụt thương mại do xuất khẩu giảm mạnh, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu than sang Trung Quốc – một nguồn thu lớn của Indonesia. Việc quốc gia này hiện thâm hụt thương mại sẽ không quá nghiêm trọng nếu các dòng vốn nước ngoài vẫn được rót vào, tuy nhiên, mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu suy yếu và thực tế là một số dòng vốn đang được rút ra. Chính quyền Jakarta thậm chí đang phải sử dụng dự trữ ngoại tệ để cân bằng ngân sách.

Malaysia cũng đang trải qua những khó khăn tương tự khi tiền tệ mất giá và canh cánh nỗi lo dòng vốn nước ngoài sẽ sớm “cao chạy xa bay”.

Philippines cũng có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong niềm tin nhà đầu tư khi nhiệm kỳ của tổng thống Aquino sẽ kết thúc vào năm 2016, đưa quá trình cải cách của quốc gia này vào tâm điểm chú ý. Nhưng hiện nay, theo nhận định của Menon, kinh tế Philippines đang khá sung mãn, tăng trưởng mạnh mẽ. Sau nhiều thập kỷ tối tăm, Philippines cuối cùng cũng vươn lên là một điểm sáng trong khu vực nhờ những cải cách trong quản lý và thu thuế, Menon nói.

Trong khi đó, nhận định của các chuyên gia về kinh tế Việt Nam nhìn chung không mấy sáng sủa: các ngân hàng ngập nợ đang trong khủng hoảng và nhà nước không đủ tiền để tái cấp vốn cho họ, Biwas nói. “Việt Nam đang đối mặt với một thời kỳ dài điều chỉnh vĩ mô”.

Hy vọng vẫn còn

Đông Nam Á vẫn còn cơ sở để tự tin vào khả năng tránh được sự đổ vỡ. Những khoản đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng mới, lấn át sự suy giảm trong xuất khẩu.Thái Lan và Malaysia đang sẵn sàng chi hàng tỷ đô la để nâng cấp mạng lưới giao thông vận tải, Indonesia và Philippines cũng có khả năng làm tương tự. Một khi cơ sở hạ tầng được nâng cấp, các nút thắt cổ chai từng ngăn chặn đà tăng trưởng khu vực được tháo gỡ, năng suất trong dài hạn sẽ được thúc đẩy đáng kể.

Thái Lan sẵn sàng chi hàng tỷ đô la để nâng cấp cơ sở hạ tầng
Thái Lan sẵn sàng chi hàng tỷ đô la để nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Với điều kiện hiện nay, khu vực ASEAN vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2013, bất chấp những lo ngại về cơ cấu. “Các quốc gia này đang tái cân bằng những nguồn nhu cầu trong và ngoài khu vực”, Menon thêm vào. Khi nhu cầu tương lai từ Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản và Mỹ vẫn chưa rõ ràng thì việc tái cân bằng thực sự là một chiến lược khôn ngoan.

Menon cũng cho rằng, chính phủ và ngân hàng trung ương các nước Đông Nam Á có thể đưa ra những quyết định thông minh về chính sách tiền tệ và tài khóa trong thời gian tới. Nhưng họ sẽ tiếp tục theo sát những diễn biến từ Trung Quốc và châu Ấu, đề phòng trường hợp một cú shock nào đó từ bên ngoài có thể thực sự làm vỡ bong bóng Đông Nam Á.

Nguồn Dân Việt/The Diplomat


Sự kiện