Thứ Ba | 12/03/2013 07:20

Đông Nam Á là mục tiêu mới hấp dẫn các ngân hàng đầu tư

Năm qua, Đông Nam Á nổi lên với những thương vụ thâu tóm, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá hàng nghìn tỷ USD.
Đông Nam Á đã trở thành thị trường mục tiêu của ngân hàng đầu tư tại châu Á. Trong giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ, con số ghi nhận được tại Đông Nam Á thậm chí lớn hơn cả ở Trung Quốc. Từ Nhật Bản tới Australia, 80% doanh thu của các ngân hàng đầu tư tại châu Á đến từ các hoạt động giao dịch; chỉ 20% tới từ tư vấn sáp nhập, IPO hay trái phiếu, theo số liệu của McKinsey & Co.

Sau Nhật Bản, nơi thường được các ngân hàng đầu tư xem là một thị trường riêng biệt với phần còn lại của châu Á, Trung Quốc vẫn là người khổng lồ, chiếm khoảng 19 tỷ USD doanh thu các ngân hàng đầu tư có được trong năm 2011, so với Đông Nam Á là 13 tỷ USD. Đây là những con số mới nhất được công bố nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng số liệu của năm 2012 sẽ tương tự.

Tuy nhiên, Trung Quốc là thị trường khó xâm nhập đối với các ngân hàng nước ngoài.
"Người nước ngoài khó tiếp cận Trung Quốc hơn nhiều so với Đông Nam Á, do môi trường pháp lý," H.V.Vinayak, người đứng đầu hoạt động ngân hàng đầu tư và thị trường vốn tại châu Á của McKinsey cho biết. "Người nước ngoài chỉ có thể tiếp cận được khoảng 2% doanh thu tới từ chứng khoán châu Á."

Các ngân hàng nước ngoài cần phải thành lập các liên doanh để tiếp cận nhiều hơn hoạt động giao dịch tại Trung Quốc, trong khi tại Singapore chẳng hạn, các ngân hàng này chiếm hơn 50% giao dịch thị trường. Hoa hồng từ giao dịch trái phiếu hay cổ phiếu tại Đông Nam Á cũng cao hơn từ 20% tới 40% so với phần còn lại của khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, McKinsey cho biết.

Đông Nam Á cũng hưởng lợi từ các thỏa thuận ký kết trong năm qua, nhờ các tỷ phú thâu tóm như Charoen Sirivadhanabhakdi của Thái Lan, người giành chiến thắng trong cuộc chiến hàng tỷ USD để có được tập đoàn Fraser & Neave của Singapore năm ngoái, cũng như những vụ IPO như việc Feldaa Global Ventures Holdings của Malaysia niêm yết 3,2 tỷ USD cổ phiếu.

Năm nay, Đông Nam Á đã giành khoảng 17% doanh thu hoạt động ngân hàng đầu tư lõi tại khu vực châu Á Thái Bình Dương không tính Nhật Bản, tăng so với mức 15% của cả năm ngoái, phần của Trung Quốc giữ nguyên ở 45%, Dealogic cho biết.

Sự khởi sắc tại Đông Nam Á được thúc đẩy nhờ sự trưởng thành của tầng lớp trung lưu, tiêu dùng ngày càng nhiều, và các công ty vượt lên mạnh mẽ hơn, ổn định và không có nợ từ sau khủng hoảng kinh tế châu Á cuối những năm 1990, CEO Credit Suisse Group khu vực châu Á Thái Bình Dương Eric Varvel nhận định. Các tỷ phú khu vực không chỉ đang mở rộng thị trường sân nhà của họ, họ còn đang nhận được tài trợ và đòn bẩy từ các ngân hàng như Credit Suisse để thực hiện các thương vụ hàng tỷ đô la Mỹ.

Đông Nam Á dự báo vẫn giữ vị trí nổi bật trong năm nay về doanh số bán cổ phiếu, vượt qua cả thị trường Hồng Kông. Các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cũng như tăng cường nhân sự để hưởng lợi từ sự bùng nổ của Đông Nam Á bao gồm Citigroup, Credit Suisse, Nomura, JP Morgan Chase.

Nguồn Khampha/WSJ


Sự kiện