Công ty Nhật Bản Murata chuẩn bị mở một nhà máy trị giá 90 triệu USD ở miền bắc Thái Lan trong những tháng tới.

 
Hải Miên Thứ Hai | 30/01/2023 15:23

Đông Nam Á "giành" chỗ đứng mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Năm 2021, Việt Nam vượt Bangladesh, đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu dệt may, chỉ sau Trung Quốc.

Các nhà sản xuất toàn cầu đang đặt cược vào Đông Nam Á khi chuỗi cung ứng tiếp tục đứng trước nguy cơ đứt gãy, vì Trung Quốc đối diện với số ca nhiễm COVID-19 bùng phát sau khi gỡ bỏ chính sách Zero-covid, Mỹ vẫn trừng phạt thuế quan. Điều này có thể thấy rõ qua việc hãng chip Mỹ Intel chuyển dây chuyền sản xuất sang Malaysia, Apple và Lego chuyển dây chuyền sản xuất một số sản phẩm sang Việt Nam hay công ty linh kiện điện tử Nhật Bản Murata chuyển sang thái Lan.

Trong khi những rắc rối của Trung Quốc vẫn tiếp diễn, các chính phủ Đông Nam Á đã vẫy gọi các doanh nghiệp theo cách riêng, bằng lao động rẻ hơn, giảm thuế và cải thiện hệ thống logistics.

Giữa vô số cảnh báo từ các công ty nước ngoài rằng việc đóng cửa hoàn toàn 3 năm qua đang khiến chi phí hoạt động tại Trung Quốc tăng quá cao, cùng với những căng thẳng trong nước, Bắc Kinh gần đây đã quyết định chấm dứt chiến lược Zero-Covid và mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Trung Quốc mở cửa ở thời điểm này có thể đã quá muộn bởi vì các chuỗi cung ứng phức tạp - vốn phải mất nhiều năm để hình thành - đã dịch chuyển ra khỏi nước này hoặc ít nhất đang tiến hành đa dạng hóa.

Những gã khổng lồ như Apple, Samsung, HP và Dell đang tiến hành những động thái tốn kém, đẩy mạnh dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ lẻ khác cũng đang di dời. Nhiều nhà sản xuất giày dép, thời trang và đồ chơi ngày càng xem Đông Nam Á như một lựa chọn thay thế, nơi có lao động rẻ hơn nhiều lần so với ở Trung Quốc.

Giới chức Trung Quốc vẫn lạc quan rằng quy mô khổng lồ của thị trường tiêu dùng cũng như nguồn lao động lành nghề, khả năng công nghệ và khả năng kết nối của nước này là những nhân tố khiến các nhà sản xuất toàn cầu không thể quay lưng quá lâu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng dòng vốn vẫn đang vào Đông Nam Á, trong khi những thiệt hại do đại dịch gây ra với người dân và nền kinh tế Trung Quốc thời gian qua là quá lớn.

"Chiến lợi phẩm" cho Đông Nam Á

Đông Nam Á đã thu hút các nhà sản xuất trong vài năm trước khi xảy ra đại dịch, với lượng người tiêu dùng ngày càng tăng cộng thêm sức hấp dẫn của cơ sở hạ tầng mới và lực lượng lao động có tay nghề cao.

Khu vực này là một tin vui hiếm hoi về kinh tế trong bối cảnh thế giới đang chìm trong khủng hoảng lạm phát và nguy cơ suy thoái chồng chéo – mặc dù Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo tăng trưởng trong khối Asean cũng sẽ chậm lại ở mức 4,7% vào năm 2023 do nhu cầu tiêu dùng toàn cầu yếu đi. .

Tuy nhiên, ASEAN vẫn được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030 với thị trường tiêu dùng đạt giá trị 4 nghìn tỉ USD, theo một báo cáo của công ty tư vấn KPMG.

Tàu chở hàng chất đầy container tại Bangkok. Thái Lan đang giảm thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài trong quá trình phát triển Hành lang kinh tế phía Đông. Ảnh: Reuters
Tàu container tại Bangkok. Thái Lan đang giảm thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài trong quá trình phát triển Hành lang kinh tế phía Đông. Ảnh: Reuters

Tại Thái Lan, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là khu vực Hành lang kinh tế phía Đông dọc bờ biển phía Đông, đang ở mức lớn chưa từng thấy. Tại đây, các khu công nghiệp có một loạt dây chuyền lắp ráp xe điện, nhiều công ty công nghệ sinh học và hàng không. Nước này cũng giảm thuế từ 5-8 năm cho doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khi đó, công ty Nhật Bản Murata chuẩn bị mở một nhà máy trị giá 90 triệu USD ở miền bắc Thái Lan trong những tháng tới. Công ty này dự kiến mở rộng nhà máy này lên quy mô tương đương với nhà máy ở Vô Tích, gần Thượng Hải (Trung Quốc) để giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng trong bối cảnh bất ổn địa chính trị đang ảnh hưởng tới các doanh nghiệp công nghệ ở Trung Quốc.

Malaysia cũng đang thu hút đầu tư nước ngoài cho các sản phẩm có giá trị cao: sản xuất thiết bị điện tử ở nước này đã tăng 32% vào năm 2022 so với cùng kỳ năm trước.

Vào năm 2021, dòng vốn trực tiếp nước ngoài đã tăng vọt lên khoảng 46,6 tỉ USD - mức cao nhất trong khoảng một thập kỷ rưỡi – trong đó riêng hàng điện tử đã chiếm 81,5%.

Giày dép, đồ chơi và dệt may

Việt Nam, nơi Apple sản xuất AirPods và các bộ phận khác của iPhone, cũng đã tìm cách tận dụng lợi thế về chi phí để vượt qua Trung Quốc trong nhiều loại hàng hóa giá trị thấp. Vào năm 2021, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 31,15 tỉ USD, hầu hết là để sản xuất các sản phẩm như giày dép, đồ điện tử và thiết bị điện, bao gồm cả AirPods và các tiện ích bổ sung khác của iPhone.

Công ty sản xuất đồ chơi Lego của Đan Mạch đã tổ chức lễ động thổ vào tháng 11 cho một nhà máy trị giá 1 tỉ USD ở tỉnh Bình Dương, đây sẽ là cơ sở thứ 2 của Lego ở châu Á và thứ 6 trên toàn thế giới.

Năm 2021, Việt Nam vượt Bangladesh, đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu dệt may, chỉ sau Trung Quốc.
Năm 2021, Việt Nam vượt Bangladesh, đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu dệt may, chỉ sau Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Việt Nam cũng được chọn là khu vực sản xuất chính của các thương hiệu giày quốc tế lớn như Nike và Adidas, trong bối cảnh hai nhãn hàng này đang dần dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Trung Quốc "khó thay thế"

Giới phân tích cho rằng Đông Nam Á phù hợp với nhu cầu mở rộng sản xuất của các công ty phương Tây nhờ lực lượng lao động rẻ và các điều kiện nội địa an toàn hơn so với ở Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường nội địa khổng lồ cùng nhiều năm trau dồi chuyên môn trong nhiều lĩnh vực có thể giúp Trung Quốc vượt lên các đối thủ hiện tại và đang lên trong khu vực.

Bất chấp sự gián đoạn do đại dịch gây ra, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc vẫn giữ vai trò chủ đạo trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ sự kết hợp của quy định thông thoáng, thuế thấp, cơ sở hạ tầng vững mạnh và kinh nghiệm sản xuất.

Tuy nhiên, các ca lây nhiễm gia tăng trên khắp đất nước sau khi Bắc Kinh đột ngột nới lỏng các biện pháp chống COVID khó có thể sớm đưa hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp trở lại bình thường.

Có thể bạn quan tâm:

Top 50 quốc gia đông dân nhất thế giới năm 2022

Nguồn SCMP