Đông Nam Á đối mặt với cuộc cách mạng về tiền lương
Tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm qua của Đông Nam Á chính là động lực thúc đẩy các nghiệp đoàn và các chính trị gia khu vực không ngừng kêu gọi chính phủ các nước tăng lương, bảo đảm việc làm tốt hơn cũng như phúc lợi cao hơn cho người lao động.
Những nền kinh tế hàng đầu như Indonesia, Thái Lan và Malaysia mới đây đều có động thái tăng 44% lương tối thiểu cho người lao động. Trong khi đó, tại quốc đảo Singapore, cuộc đình công đòi tăng lương đầu tiên sau 26 năm cũng vừa chấm dứt cách đây vài ngày.
Tại Indonesia, ngay cả khi chính quyền Jakarta cùng nhiều khu vực khác hứa hẹn tăng 44% lương tối thiểu, các nhóm người lao động vẫn không ngừng gây sức ép, tổ chức các cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ bảo vệ hơn nữa cho các nghiệp đoàn và người lao động.
Còn tại Thái Lan, chính phủ đã cho tăng lương cơ bản tại 7 tỉnh hồi đầu năm nay, đồng thời dự kiến tăng lương tối thiểu cho phần còn lại của đất nước trong năm 2013. Trong khi đó, Malaysia cũng công bố kế hoạch xây dựng hệ thống lương tối thiểu đầu tiên, dự kiến bắt đầu vào tháng tới.
Thậm chí ngay cả một quốc gia bị cô lập trong thời gian dài như Myanmar gần đây cũng yêu cầu các nhà lập pháp xem xét dự luật nâng lương tối thiểu cho người lao động.
Trong khi đó, Singapore - quốc gia được xếp vào nhóm những nước có thu nhập trung bình cao nhất thế giới - cũng quyết định thắt chặt các hạn chế về người lao động nước ngoài, chính sách này rất có thể sẽ dẫn tới mức lương tối thiểu được tăng cao hơn và tăng trưởng kinh tế thấp hơn.
Từ những sự kiện này, các nhà kinh tế nhận định Đông Nam Á đang phải đối mặt với cuộc cách mạng tiền lương. Như tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono phát biểu, kỷ nguyên lao động giá rẻ ở Đông Nam Á đã chấm dứt.
Theo tờ Wall Street Journal, ngoài việc phải duy trì sức cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu, việc tăng lương cho người lao động cũng giúp đáp ứng được một trong những mục tiêu quan trong của chính phủ các nước Đông Nam Á: Xây dựng lực lượng người tiêu dùng trung lưu mạnh mẽ.
Xét về mục tiêu này, bài học lớn nhất đối với Đông Nam Á không đâu khác chính là Trung Quốc. Trong những năm trở lại đây, tiền lương tối thiểu của người lao động được tăng cao tới mức các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc có thể sẽ đánh mất danh hiệu "công xưởng của thế giới". Tuy nhiên, đó lại là một phần trong chiến lược lâu dài của Bắc Kinh, nhằm giảm sự phụ thuộc của kinh tế đất nước vào xuất khẩu, đồng thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang dựa vào tiêu dùng nội địa.
Mặc dù vậy, cuộc cách mạng tiền lương ở Đông Nam Á cũng đang đặt ra vô số câu hỏi cần được giải đáp, chẳng hạn: Làm thế nào các nền kinh tế Đông Nam Á có thể cải thiện kỹ năng lao động cho người dân? Làm thế nào để chọn ra những yếu tố giúp ổn định cầu nội địa và tiếp tục tăng trưởng thông qua tăng lương, rồi yếu tố nào sẽ gây tăng trưởng quá nóng hoặc làm chậm nền kinh tế?
Trong khi phải đáp ứng nhu cầu đòi tăng lương của các nhóm người lao động, chính phủ các nước Đông Nam Á cũng phải đối mặt với một vấn đề khó khăn khác đó là lạm phát cao gia tăng.
Bên cạnh đó, dù các nhà kinh tế cho rằng việc tăng lương sẽ không làm hỏng khả năng cạnh tranh cũng như tăng trưởng của các nước, song các nhà sản xuất - những người sử dụng lao động chính - cảnh báo chi phí lao động tăng cao hơn có thể dẫn đến làn sóng tháo chạy của các nhà đầu tư khỏi thị trường Đông Nam Á.
Việc một loạt các nước tăng lương tối thiểu cho thấy kỷ nguyên lao động giá rẻ ở Đông Nam Á đã chấm dứt. |
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng hầu hết các doanh nghiệp và các nước trong khu vực có thể nâng lương cho người lao động mà không làm tê liệt khả năng cạnh tranh của họ. Trong khi con số tăng 44% lương tối thiểu tại Jakarta dường như là khá cao, song trên thực tế, nhiều công ty xuất khẩu của Indonesia hiện đang trả lương cho người lao động cao hơn rất nhiều so với mức tối thiểu này.
"Bên cạnh đó, chi phí lao động chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí của doanh nghiệp, do đó tiền lương tăng không ảnh hưởng quá nhiều tới họ", một nhà kinh tế nhận định.
Hơn thế nữa, ngay cả khi được tăng tới hơn 40%, mức lương tối thiểu tại Đông Nam Á nhìn chung vẫn thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc, các nhà phân tích cho biết. Các yếu tố đầu vào cho sản xuất, bao gồm chi phí đất và điện, cũng ít tốn kém hơn rất nhiều so với Trung Quốc.
Nhà kinh tế tại Citigroup, ông Kit Wei Zheng, nhận định: "Những chi phí khác sẽ giúp duy trì sức cạnh tranh của Đông Nam Á với Trung Quốc".
Ông Zheng cũng nhận định, mức lương cao cũng không gây lạm phát quá lớn cho Đông Nam Á, bởi các công ty không phải chuyển quá nhiều chi phí sản xuất cho người tiêu dùng, trong khi đó mức lương cao hơn sẽ được bù đắp bởi năng suất cao hơn.
Ngoài ra, theo các nhà kinh tế mức lương cao hơn từ tháng 4/2012 thậm chí chưa thấy có ảnh hưởng tiêu cực tới một số nền kinh tế, trong đó có Thái Lan.
Nhà kinh tế về nghiên cứu toàn cầu thuộc HSBC, ông Lim Su Sian nhận định: "Lương tăng ảnh hưởng rất ít tới việc làm, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hay lạm phát. Trong khi đó, nó lại làm tăng tiêu dùng cá nhân. Có thể nói, tăng lương mang lại nhiều lợi ích hơn cho Đông Nam Á".
Nguồn WSJ/Khampha
tăng lương và bảo vệ tốt hơn cho người lao động.