Đông Nam Á bùng nổ đầu tư góp vốn tư nhân
Bên cạnh đó, với tỷ lệ đầu tư PE (đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp chưa niêm yết) trên GDP chỉ bằng 1 nửa các nền kinh tế hàng đầu phương Tây, các nhà đầu tư sẽ không phải đối mặt với rủi ro bão hòa, ít nhất trong ngắn hạn, theo một báo cáo của McKinsey.
Indonesia và Việt Nam nổi lên là 2 điểm đến hấp dẫn với dân số đông, cùng lượng khách hàng tiêu dùng ngày càng tăng.
Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ suốt 2 thập kỷ qua, nhờ cải cách kinh tế toàn diện, vị trí địa lý thuận lợi và tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối diện với các khó khăn khi lạm phát năm 2011 chạm 18,6%, VND giảm giá hơn 7%, và nợ chính phủ bị hạ bậc xếp hạng.
Một số vấn đề dài hạn bắt đầu xuất hiện. Số liệu chính thức chỉ ra 10 năm tới, tăng trưởng lực lượng lao động sẽ giảm xuống khoảng 0,6% mỗi năm so với tốc độ 2,8% giai đoạn 2000-2010, một báo cáo riêng việt của McKinsey chỉ ra. Báo cáo này dự đoán để đạt mục tiêu tăng trưởng 7-8%/năm, năng suất lao động các ngành dịch vụ và sản xuất cần tăng hơn 50%.
Các nhà đầu tư nhận định khác nhau về triển vọng của Việt Nam. Theo khảo sát của McKinsey, có nhà đầu tư cho rằng tiềm năng ở Việt Nam chỉ là "ngắn hạn", tuy nhiên cũng có nhà đầu tư lại cho rằng Việt Nam có vẻ đang "lặp lại những thành tựu của Trung Quốc thập kỷ trước".
Nhiều sự kiện mới chỉ ra Việt Nam vẫn có thể cung cấp những thương vụ hấp dẫn. Năm 2011, công ty quản lý quỹ Mỹ KKR đầu tư 159 triệu USD mua 10% cổ phiếu Masan Consumer. Đây là vụ đầu tư vào công ty chưa niêm yết lớn nhất Việt Nam.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ 3 châu Á, tốc độ tăng trưởng cao, cùng sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu đang khá giống hoàn cảnh Trung Quốc vài năm trước. Năm 2011, đã có 15 vụ đầu tư PE được ghi nhận ở Indonesia với 860 triệu USD, và vẫn còn tiềm năng phát triển.
Hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) ở Indonesia khá cao ở 1 số ngành. Tuy nhiên, hoạt động PE chỉ chiếm khoảng 14% so với M&A ngành tài chính (chiếm tới 7% GDP) và dưới 1% với ngành khai khoáng (chiếm tới 12% GDP).
Bên cạnh đó, Myanmar bắt đầu trỗi dậy sau quãng thời gian dài cô lập, cũng thu hút chú ý từ các nhà đầu tư. Một số công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới bắt đầu theo dõi tiến triển của Myanmar và tính tới gia nhập thị trường khi thời cơ chín muồi.
Các nhà đầu tư PE sẽ theo dõi liệu chính phủ Myanmar có tiếp tục cải cách hiện tại và thuyết phục thành công Liên minh châu Âu, Mỹ, Australia, cũng như các nước khác tháo bỏ lệnh trừng phạt hay không. Nếu những điều này thành công, Myanmar có thể sẽ sớm trở thành một nam châm thu hút đầu tư mới.
Nguồn McKinsey/Khampha