Các chuyên gia cho biết, phần lớn rác thải đã được nhập khẩu thông qua đường "buôn bán rác thải" từ các nước phát triển. Ảnh: Dimas Ardian.
Đông Nam Á: Bãi tập kết rác thải nhựa toàn cầu
Khi Otin còn nhỏ, bãi biển trước nhà cô ở Labuan, phía tây Java, sạch đến mức có thể lấp lánh dưới ánh nắng. “Chúng tôi từng có thể nhìn thấy cát trắng”, cô hồi tưởng trong khi đứng trên một ụ rác thải nhựa đầy bùn, cách cửa nhà chưa đầy 100 mét. Những bãi cát thiên đường mà cô từng chơi khi còn nhỏ đã không còn chút dấu vết, thay vào đó là hàng đống nhựa xếp chồng. “Mỗi lần thủy triều lên sẽ có hàng tấn rác trôi dạt tới tận sân trước nhà tôi”, cô nói.
Hầu hết các mặt hàng nhựa, từ túi mua sắm, giấy gói thực phẩm đến đồ chơi, đều quá cũ kỹ để có thể nhận dạng được, khiến người dân không biết rác thải đến từ đâu. “Chính quyền địa phương thường cảnh báo chúng tôi không được vứt rác trên bãi biển”, cô Otin nói và cho biết thêm rằng, chưa bao giờ xả rác, tất cả cư dân trong khu vực đều trả tiền để được thu gom rác hàng tuần và xử lý tại bãi.
Cô Otin cho rằng, rác đến từ một khu chợ gần đó, nhưng khối lượng nhựa khổng lồ tràn vào bờ biển Labuan hàng ngày cho thấy vấn đề còn sâu rộng hơn. Trong vài thập kỷ qua, Indonesia và các quốc gia khác ở Đông Nam Á đã trở thành bãi rác thải nhựa từ khắp nơi trên thế giới thông qua hoạt động buôn bán rác vẫn tồn tại dai dẳng bất chấp những nỗ lực ngăn cấm.
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, mặc dù là nơi sinh sống của chưa đến 9% dân số thế giới nhưng 17% lượng rác thải nhựa nhập khẩu của thế giới đều đổ về các nước ASEAN từ năm 2017-2021. Theo báo cáo từ Greenpeace năm 2019, chỉ riêng từ năm 2016-2018, khu vực này đã chứng kiến lượng rác thải nhựa nhập khẩu tăng 171%, lên 2,26 triệu tấn.
Khối lượng rác thải nhựa được các quốc gia Đông Nam Á nhập khẩu trong giai đoạn 2017-2021 (triệu tấn). Ảnh: Nikkei Asia. |
Những loại nhựa thường được nhập khẩu bất hợp pháp này đã làm vấn đề sử dụng nhựa trong nước ngày càng gia tăng, khiến Đông Nam Á trở thành khu vực có lượng rác thải nhựa đại dương lớn nhất thế giới, phần lớn là do hệ thống sông ngòi, đường bờ biển dài cũng như các quy định và quản lý môi trường yếu kém trong khu vực.
Theo một nghiên cứu được trích dẫn rộng rãi của ông Lourens JJ Meijer, người đứng đầu bộ phận dữ liệu và giám sát tại The Ocean Cleanup ở Rotterdam, 6 trong số 10 quốc gia gây ô nhiễm nhựa đại dương lớn nhất thế giới là ở Đông Nam Á vào năm 2021. Philippines, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan chiếm hơn một nửa tổng số rác thải nhựa toàn cầu, riêng Philippines sản xuất 356.371 tấn mỗi năm. Nhìn chung, châu Á là nơi sinh sống của gần 60% dân số thế giới và tạo ra hơn 80% rác thải nhựa trên đại dương toàn cầu.
Trong nhiều thập kỷ, tái chế nhựa đã qua sử dụng đã được quảng bá như một giải pháp kinh doanh và quản lý chất thải ở các nước phát triển như một phần trong nỗ lực tạo ra cái gọi là nền kinh tế tuần hoàn, dựa vào việc tái sử dụng vật liệu để tăng cường tính bền vững.
Nhưng các nhà phê bình hiện đang ngày càng chỉ ra rằng, không giống như kim loại, nhựa không thể được tái chế vô thời hạn và phần lớn rác thải nhựa được nhập khẩu để tái chế thay vào đó chỉ đơn giản là được thải bỏ, gây gánh nặng cho các quốc gia nhập khẩu nó. Kết quả là, hàng triệu tấn rác không thể xử lý được đã đổ về các nước đang phát triển, thậm chí không thể tự quản lý rác thải của mình.
Ông Jim Puckett, Giám đốc Điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Basel cho biết: “Hãy nghĩ đến những con tàu miệt mài trên biển, đốt khí nhà kính, nhiên liệu chỉ để...đổ rác”.
Đối với các nước giàu, xuất khẩu rác sang Đông Nam Á giúp tiết kiệm tiền thuê và giải quyết vấn đề xử lý rác thải. Trớ trêu thay, các khu vực pháp lý có quy định môi trường khắc nghiệt nhất lại là một trong những nơi xuất khẩu chất thải lớn nhất sang các nước nghèo hơn. Theo báo cáo tháng này của Unwaste, một dự án của Liên Hợp Quốc nhằm chống lại nạn buôn bán rác thải giữa EU và Đông Nam Á, mặc dù sẽ có thay đổi vào năm 2025 với lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn sang các nước không thuộc OECD, nhưng Liên minh châu Âu vẫn là quốc gia xuất khẩu rác thải nhựa lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% tổng rác nhựa được bán buôn.
Một quan chức Malaysia kiểm tra một container chứa đầy rác thải nhựa trước khi gửi đến Westport ở Port Klang vào năm 2019. Ảnh: AP. |
Theo Ủy ban châu Âu, đối với các hoạt động kinh doanh rác được quản lý chỉ riêng ở khu vực EU, doanh thu đã lên tới 9,5 tỉ euro/năm. Phần lớn trong số này bao gồm các khoản phí do chính quyền thành phố trả cho các công ty tư nhân để tái chế rác ở các nước phát triển.
Tuy nhiên, việc loại bỏ rác thải không đồng nghĩa với việc xử lý có trách nhiệm. Mà hiện nay quy trình này chỉ đơn giản chuyển vấn đề sang các nước nghèo hơn, nơi luôn được trang bị kém hơn để giải quyết, vốn đã có hàng núi rác thải sinh hoạt cần xử lý.
Do chưa có đủ luật chống buôn bán rác thải cũng như ngân sách của chính phủ để giải quyết tình trạng lộn xộn này, nhiệm vụ quản lý hàng núi rác thải nhựa ở Đông Nam Á thường thuộc về người dân địa phương, như cư dân của Bãi biển Labuan.
Ông Ading, một ngư dân kiêm hàng xóm của cô Otin, cho biết chất thải đang ảnh hưởng đến công việc của ông: "Trước mỗi lần ra khơi đánh cá, tôi phải dọn sạch rác bị kẹt vào chân vịt của thuyền”. Ông nói: “Chúng tôi không thể làm gì với rác thải từ biển, nó cứ tiếp tục tràn tới. Chúng tôi cứ phải dọn dẹp liên tục."
Có thể bạn quan tâm:
Nhật Bản chậm chân trong việc thúc đẩy doanh nghiệp SME
Nguồn Nikkei Asia