Sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào khiến hàng chục người thiệt mạng. Ảnh: Bloomberg
Dòng Mê Kông chết chóc
Trải dài từ cao nguyên Tây Tạng cho đến vùng đồng bằng Việt Nam, dòng Mê Kông mạnh mẽ là một trong những hệ sinh thái vĩ đại nhất thế giới. Đối với Lào, nó còn đại diện cho nhiều thứ hơn: nguồn năng lượng từ các dự án thủy điện đầy tham vọng và hàng thập niên tăng trưởng kinh tế.
Lào vốn có giấc mơ trở thành “nhà máy điện của châu Á”, được tiếp sức bằng một loạt các dự án nhà máy thủy điện. Nhưng nay giấc mơ ấy có một bước lùi thảm khốc sau sự cố vỡ đập thủy điện vào hôm thứ Hai 23/7, đập này là một phần của công trình trị giá 1 tỷ USD do Chính phủ Lào và các công ty của Thái Lan và Hàn Quốc đầu tư thực hiện.
Cuộc đua khốc liệt để khai thác sông Mêkông và các nhánh của nó để làm thủy điện đã diễn ra trong nhiều năm và đã phản ánh cơn khát năng lượng vô độ của khu vực Đông Nam Á. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã cấp vốn cho các dự án khổng lồ trong khu vực, chủ yếu là ở Lào, Campuchia và Myanmar.
Với việc đập bị vỡ lần này, cộng với một sự việc tương tự vào mùa thu năm ngoái, đã có nhiều câu hỏi đặt ra về việc chính phủ Lào có thể quản lý một cách an toàn làn sóng đầu tư của các tập đoàn năng lượng quốc tế và các tập đoàn xây dựng đang làm việc tại nước này hay không.
Cơn sốt xây đập
Các dự án thủy điện đang tăng mạnh trên sông Mê Kông và các nhánh của nó. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy Lào sẽ dừng lại. Sự đặt cược của Lào vào thủy điện đơn giản là để nền kinh tế tồn tại: Điện năng tiêu thụ của quốc gia có dân số 7 triệu người này hầu như đều nhờ vào thủy điện, ngoài ra việc bán điện năng còn dư cho các nước láng giềng là nguồn thu từ xuất khẩu quan trọng của Lào.
Các đập thủy điện dọc sông Mêkông, (trong lãnh thổ Trung Quốc gọi là sông Lan Thương). Màu đen là đập đã hoàn thành, màu vàng là đang xây dựng, màu trắng là chưa triển khai. |
Dane Chamorro, một cựu nhân viên ngoại giao và là Giám đốc phụ trách khu vực ASEAN của Công ty Tư vấn Control Risks, cho biết ông không tin sự cố này sẽ ảnh hưởng nhiều đến chính phủ, khi Thủ tướng Thongloun Sisoulith vẫn còn mới mẻ và được đánh giá cao. Bên cạnh đó, thủy điện đóng vai trò là một nguồn thu xuất khẩu rất quan trọng nên sự cố này sẽ không làm chậm các các dự án phát triển trong tương lai.
Về phía Trung Quốc, cấp vốn cho các dự án thủy điện ở Mê Kông sẽ tăng cường an ninh năng lượng của nước này và tạo một lợi thế địa chính trị ở Đông Nam Á. Vì thế, đã có nhiều quan ngại trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, vì nước ta lo ngại Trung Quốc có thể chặn dòng nước xuống hạ lưu.
Các nhóm bảo vệ môi trường cũng lo ngại về việc liệu các kỹ sư và công ty xây dựng đã có chuẩn bị đầy đủ để các công trình có thể ứng phó với biến đổi khí hậu và các cơn mưa xối xả thường diễn ra trong những năm gần đây. Bên cạnh đó cũng có lo ngại về việc ngành đánh bắt cá và trồng lúa ở Lào và Campuchia sẽ ngày càng dễ bị tổn thương bởi sự bùng nổ của các nhà máy thủy và mạng lưới đập tích nước.
Bà Maureen Harris, Giám đốc phụ trách Đông Nam Á của Tổ chức môi trường International Rivers, cho rằng, sự cố vỡ đập cho thấy chính sách phát triển thủy điện để xuất khẩu và sự gia tăng nhanh chóng các đập thủy điện cần phải được xem xét lại. Bà cũng bày tỏ quan ngại về khả năng của Chính phủ Lào trong việc xử lý các dự án cơ sở hạ tầng ở tầm cỡ này.
“Thất bại rõ ràng”
Bà Harris nói: “Chính sự thiếu năng lực của Lào đã dẫn đến chính sách mở rộng cửa cho các nhà đầu tư tư nhân từ nước ngoài, những người này rõ ràng đã thất bại trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn thích hợp và điều đó đã gây nên sự quan ngại khi các dự án khác lại tiếp tục thực hiện".
Các cơn mưa lớn trong tuần này đã gậy ngập lụt tại miền nam Trung Quốc và tại Việt Nam và là một phần nguyên nhân gây vỡ đập Xe Pian-Xe Namnoy. Các kỹ sư đã vật lộn suốt 24 giờ để ngăn vỡ đập. Tuy nhiên, đập chính vẫn đang trong quá trình xây dựng còn các đập phụ nhỏ hơn đã không thể trụ được giữa các cơn mưa xối xả.
Sự cố vỡ đập ở tỉnh Attepeu ở Đông Nam Lào đã tạo nên một trận lũ quét dữ dội, tràn qua các bản làng và khiến 6.000 người mất nhà cửa, hàng trăm người mất tích và ít nhất 20 người chết.
Đặt cược tất cả
Sự cố ở Attepeu không phải là duy nhất, năm ngoái cũng đã có một sự việc tương tự tại tỉnh miền trung Xaysomboun. Một số người cho rằng đây là lúc nên nâng cao các tiêu chuẩn trong xây dựng và quy trình kiểm soát và đây cũng là lúc để xem xét tạm dừng mở rộng các nhà máy thủy điện tại Lào.
Tuy nhiên theo ông Milton Osborne, tác giả cuốn “Sông Mê Kông: quá khứ bất ổn, tương lai bất định”, Chính phủ Lào sẽ bày tỏ sự hối tiếc, nhưng sẽ không thể dừng lại mà vẫn phải tiếp tục các dự án. Vẫn còn 120 dự án thủy điện trên các nhành của sông Mê Kông và phần lớn trong số đó là đặt tại Lào.
Theo ông Osborne, xây các đập thủy điện là một phần trong quyết tâm biến Lào thành nhà máy điện của khu vực Đông Nam Á, và không gì có thể cản trở được các kế hoạch này. Ông Osborne cũng nói rằng Lào quá nghèo nên không thể có sự lựa chọn nào khác.
Nguồn Bloomberg