Dòng chảy tiền tệ của Trung Quốc thay đổi ra sao trong năm qua?
Đối với tài khoản vãng lai, các nhà phân tích cho biết các nhà xuất khẩu Trung Quốc hiện tại ít có xu hướng chuyển hóa đơn của mình từ ngoại tệ sang đồng nhân dân tệ như trước kia. Có thể một vài trong số các công ty này đang tìm cách tích trữ đồng USD. Đối với tài khoản vốn, dòng tiền chảy vào đã ngừng lại, trong khi dòng tiền chảy ra bắt đầu mạnh hơn.
Bên cạnh đó, các nhà kinh tế cũng cho biết các giao dịch tiền tệ từ ngoại tệ sang nhân dân tệ và ngược lại cũng dừng lại trong thời gian qua. Điều này cũng được chứng minh rõ ràng khi mới đây Bộ Tài chính Mỹ xác nhận hoạt động thu mua trái phiếu kho bạc Mỹ của Trung Quốc đã ngừng lại.
Trong thời gian qua, ước tính khoảng 225 tỷ USD đến 300 tỷ USD đã chảy khỏi Trung Quốc, hãng WSJ cho biết.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng vấn đề không nằm ở số ngoại tệ bị thất thoát mà chính là những tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc khi dòng ngoại tệ chảy vào bị ngừng lại, trong khi dòng tiền chảy ra lại tăng mạnh.
Nhiều người tỏ ra bàng quan khi cho rằng kể cả khi dòng tiền chảy khỏi Trung Quốc tối đã đạt 300 tỷ USD, con số đó quá nhỏ so với kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc. Tính đến cuối tháng 9, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt 3,3 nghìn tỷ USD, trong khi đó lượng cung tiền là hơn 14 nghìn tỷ USD. Với sự tham gia của Trung Quốc trên thị trường tiền tệ, con số 300 tỷ USD chắc chắn không là gì và những ảnh hưởng kéo theo đó rõ ràng cũng không quan trọng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Dòng ngoại tệ chảy vào Trung Quốc cùng sự can thiệp vào tỷ giá hối đoái (nhằm giữ đồng nhân dân tệ thấp hơn các đồng tiền khác trong suốt 10 năm qua) chính là trái tim của khung cơ chế tích lũy tài sản dự trữ nước ngoài của Bắc Kinh. Tích lũy dự trữ ngoại hối chính là cách PBOC thường dùng để mở rộng cơ sở tiền tệ, một cơ chế không giống với nới lỏng định lượng. Khi thanh khoản dư thừa do tích trữ ngoại hối quá mức, nó sẽ gây lạm phát.
Để tránh điều này, PBOC phải hút dòng ngoại hối chảy vào Trung Quốc bằng cách cho phát hành hối phiếu ngân hàng trung ương, đồng thời nâng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc đối với các ngân hàng.
Tuy nhiên, kể từ tháng 10/2011, tình trạng này đã chấm dứt, và đó chính là lý do khiến các nhà kinh tế tin rằng đây chính là thời điểm mô hình dòng tiền của Trung Quốc bị thay đổi. Với mục tiêu giữ đồng nội tệ ổn định trong suốt một năm qua, PBOC có lẽ đã không tìm cách mở rộng cơ sở tiền tệ theo cách họ vẫn làm trước kia, bất chấp những áp lực khi dòng ngoại hối tiếp tục chảy khỏi đất nước, các nhà phân tích cho biết.
Sự thực, 300 tỷ USD bốc hơi khỏi Trung Quốc là quá nhỏ so với khối dự trữ 3 nghìn tỷ USD, song những hậu quả kéo theo đó lại vô cùng khôn lường, các nhà phân tích cảnh báo.
Cạn kiệt dự trữ ngoại hối có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế Trung Quốc. |
Theo các nhà phân tích, dĩ nhiên con số 3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối mang lại cho Trung Quốc nhiều sức mạnh, song không phải ai cũng biết được những sức mạnh này được sử dụng vào việc gì. Nhiều người cho rằng số dự trữ này giúp Trung Quốc có thể thoải mái kích thích kinh tế mà không phải lo ngại điều gì, trong khi đó chính quyền Bắc Kinh cũng chẳng phải lo lắng đến số nợ xấu của các ngân hàng hay số ngoại tệ chảy khỏi đất nước trong thời gian qua.
Nhưng như đã phân tích ở trên, số dự trữ ngoại hối này đơn giản chỉ là một phần của quá trình tạo ra cơ sở tiền tệ. Dự trữ ngoại tệ không có ý nghĩa trong việc tạo nên sự giàu có của một quốc gia hay làm tăng khả năng kích thích kinh tế cũng như giải cứu các ngân hàng bị phá sản.
Dự trữ ngoại hối lớn chỉ có nghĩa ngân hàng trung ương có nhiều tiền để bảo vệ đồng nội tệ trong trường hợp vốn nước ngoài ồ ạt chảy khỏi đất nước hoặc trong một số trường hợp rủi ro đe dọa tới tiền tệ trong nước.
Chẳng hạn, nếu muốn bảo vệ đồng nhân dân tệ không bị mất giá trong trường hợp rủi ro nào đó, PBOC có thể sẽ buộc phải thắt chặt các điều kiện tiền tệ, hoặc tìm cách bán đi các tài sản dự trữ ngoại hối (điều này đồng nghĩa cơ sở tiền tệ bị thu hẹp), hay cho tăng lãi suất với hy vọng thu hút luồng ngoại tệ chảy vào.
Tuy nhiên, nếu dòng ngoại tệ không tiếp tục chảy vào hoặc kho dự trữ ngoại tệ bị thất thoát khi giới giàu chuyển tiền ra nước ngoài, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không đủ tiền để bảo vệ đồng nhân dân tệ trước những biến động bất ngờ. Bên cạnh đó, khi dự trữ ngoại hối bị thiếu hụt, PBOC sẽ không thể mở rộng bảng cân đối kế toán của mình như trước kia. Và khi bảng cân đối kế toán bị thu hẹp so với quy mô nền kinh tế, sẽ dẫn đến tình trạng điều kiện tiền tệ bị thắt chặt quá mức.