Mỏ kim cương Yubileyny (hay còn gọi là Jubilee) nằm ở nước Nga. Đây là một trong những mỏ kim cương lớn nhất thế giới, với trữ lượng khoảng 150 triệu carats. (Nguồn: mazaldiamond).

 
Hải Bằng Thứ Hai | 21/03/2022 10:32

Dòng chảy kim cương của Nga vẫn ồ ạt sang phương Tây

Dòng chảy kim cương của Nga sang phương Tây vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp các biện pháp trừng phạt kinh tế hiện tại của Mỹ và phương Tây.

Các mỏ của Nga là trung tâm của ngành công nghiệp đá quý, đưa quốc gia này trở thành nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% thị trường toàn cầu.

Khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, một vấn đề nan giải đối với các nhà kim hoàn, các công ty kim cương trên thế giới là liệu có nên tiếp tục mua và bán những viên kim cương từ Nga hay không. 

Theo báo Guardian, những người trong ngành cho biết các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ ít tác động hoặc không làm gì được để ngăn dòng kim cương từ Alrosa sang các nước phương Tây. Alrosa là công ty độc quyền khai thác kim cương được Nhà nước Nga hậu thuẫn. 

Cho đến nay, nhiều tập đoàn công nghiệp đá quý lớn trên thế giới vẫn giữ im lặng trước các câu hỏi người mua có chịu trách nhiệm pháp luật khi mua kim cương từ Nga. 

Hầu hết kim cương của Nga đều có nguồn gốc từ Công ty Alrosa, chiếm 99% tổng số kim cương thô được sản xuất tại Liên bang Nga. 1/3 cổ phần của Alrosa thuộc sở hữu trực tiếp của Nhà nước Nga và 1/3 khác thuộc sở hữu của các chính quyền khu vực, trong đó có nước cộng hòa Yakutia thuộc Nga.

Kim cương của Nga chiếm khoảng 30% sản lượng kim cương trên toàn cầu - Ảnh: REUTERS
Kim cương của Nga chiếm khoảng 30% sản lượng kim cương trên toàn cầu - Ảnh: Reuters.

Ban lãnh đạo Công ty Alrosa cũng có mối liên hệ chặt chẽ với Điện Kremlin. Ông Sergei Ivanov, Giám đốc điều hành công ty, cũng là một trong các cá nhân nằm trong "tầm ngắm" của các lệnh trừng phạt từ phương Tây. 

Năm 2021, Công ty Alrosa báo cáo doanh thu 4,16 tỉ USD và lợi nhuận ròng 943 triệu USD. Ngoài ra, độc lập với Công ty Alrosa, Nhà nước Nga có một kho dự trữ kim cương khổng lồ Gokhran, được sử dụng để điều tiết thị trường kim cương trên thế giới.

Tiến sĩ Hans Merket, một nhà nghiên cứu về xung đột kim cương tại Viện nghiên cứu IPIS của Bỉ, cho biết: "Từ thập niên 1990, Nga đã mua kim cương để quản lý giá cả. Gokhran tổ chức các cuộc đấu giá định kỳ các loại đá quý từ kho dự trữ của nhà nước, với 6 cuộc đấu giá trong nửa đầu năm 2021".

Tại sao ngay cả khi Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt cụ thể đối với kim cương Nga, vẫn không có tác dụng ngăn cản dòng chảy của kim cương, đá quý Nga sang phương Tây? Câu trả lời là do phần lớn kim cương, đá quý của Nga được xuất khẩu thô. 

Hầu hết kim cương sẽ được cắt và đánh bóng ở Ấn Độ, nơi xử lý khoảng 90% kim cương thô trên thế giới. Cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy việc các công ty Mỹ mua kim cương của Nga thông qua Ấn Độ sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt.

h
Phần lớn kim cương, đá quý của Nga được xuất khẩu thô, hầu hết được cắt và đánh bóng tại Án Độ. Ảnh: TL.

"Các biện pháp trừng phạt - trừ khi chúng tăng thêm - sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường", ông Martin Rapaport, một nhân vật nổi tiếng trong ngành kim cương và là người sáng lập RapNet - mạng kinh doanh kim cương trực tuyến lớn nhất thế giới, cho biết.

Tại Ấn Độ, các quan chức chính phủ cho biết Công ty Alrosa nói với họ hoạt động kinh doanh sẽ tiếp tục như bình thường.

Ông Colin Shah, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu đá quý và trang sức của Chính phủ Ấn Độ, nói với báo Guardian rằng Công ty Alrosa đã viết thư để trấn an rằng các lệnh trừng phạt sẽ không ngăn được dòng chảy kim cương từ nước này đến các quốc gia phương Tây. 

"Alrosa đã đảm bảo vẫn hoạt động kinh doanh như bình thường. Họ sẽ thực hiện mọi nghĩa vụ đối với khách hàng của mình ở bất kỳ nơi nào trên thế giới", ông Shah khẳng định.

Có thể bạn quan tâm:

Ngân hàng Trung ương Nga phải tạm ngừng tích trữ vì người dân đổ xô đi mua vàng miễn thuế VAT