Vị thế đồng USD có dấu hiệu lung lay khi một số nước chuyển sang giao dịch bằng những loại tiền tệ khác. Ảnh: WSJ.

 
Khánh Tú Thứ Tư | 31/05/2023 19:00

Đồng bạc xanh vẫn là "vua" ở châu Âu

Mặc dù vị thế đồng USD đang bị lung lay, nhưng với hầu hết các quốc gia châu Âu, từng động thái của đồng bạc xanh vẫn rất quan trọng.

Đối mặt với chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Mỹ không phải là quốc gia duy nhất cảm thấy lo lắng. Trên thực tế, cả châu Âu và nhiều quốc gia khác đều cảm thấy lo ngại về nguy cơ suy thoái khi lãi suất tăng cao.

Trên thực tế, các mối quan hệ hợp tác, quan hệ tài chính - thương mại giữa Mỹ và các đối tác, nhất là châu Âu, vẫn đang chặt chẽ và khăng khít hơn bao giờ hết.

Vị thế của đồng bạc xanh

Trong khi Fed vẫn giữ quan điểm về việc tăng lãi suất thì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại chọn giữ lãi suất điều hành ở mức thấp. Tuy nhiên, sau khi đồng euro trượt giá mạnh so với đồng USD, ECB đã nhanh chóng thay đổi quyết định của mình. Ngân hàng Trung ương lo ngại lạm phát nhập khẩu từ các hàng hoá được giao dịch bằng đồng USD, chẳng hạn như năng lượng.

 

Song, thách thức ngược bây giờ mới bắt đầu. Trong cuộc họp tháng 5, các quan chức Fed đã phát tín hiệu về việc tạm dừng tăng lãi suất nhằm xem xét nền kinh tế Mỹ đã trụ vững như thế nào giữa bối cảnh lãi suất tăng cao. Động thái này khiến ECB và các Ngân hàng Trung ương các quốc gia khác gặp khó khăn khi khó có thể tăng lãi suất điều hành mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao.

“Đồng USD đóng vai trò thống trị trong nền kinh tế toàn cầu”, ông Maurice Obstfeld, người từng giữ vị trí chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định.

Vị thế đồng bạc xanh đang có dấu hiệu lung lay khi các nước như Ả Rập Saudi, Trung Quốc và Nga bắt đầu chuyển sang giao dịch bằng những loại tiền tệ khác. Theo hãng tin WSJ, nguyên nhân là do Mỹ đã vũ khí hóa tiền tệ, đóng băng tài sản của Nga sau khi quốc gia này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Quý II/2022, USD chiến không đến 60% dự trữ ngoại hối toàn cầu, giảm từ mức 72% từ hai thập kỷ trước. Năm ngoái, Mỹ chỉ chiếm 25% sản lượng kinh tế, hơn 10% thương mại toàn cầu, nhưng chiếm đến 90% giao dịch ngoại hối trên toàn thế giới. Và khoảng 50% chứng khoán nợ quốc tế và khoản vay xuyên biên giới được phát hành bằng đồng USD. Do đó, khi lãi suất điều hành của Mỹ tăng cao, các quốc gia khác cũng sẽ bị ảnh hưởng theo nhiều cách.

Nếu lãi suất ở Mỹ tăng cao

Khi Mỹ tăng lãi suất, dòng tiền sẽ rời khỏi các nền kinh tế khác, đẩy chi phí đi vay lên cao và khiến các đồng tiền của quốc gia đó mất giá so với đồng USD. Thêm vào đó, các mặt hàng được định giá bằng USD như dầu mỏ sẽ trở nên đắt đỏ hơn khi giao dịch bằng ngoại tệ. Điều này có nghĩa là lãi suất tăng cao sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Mỹ, từ đó làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm nước ngoài.

Nghiên cứu mới đây của ECB chỉ ra rằng việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ từ năm 1991 đến năm 2019 đã khiến sản lượng công nghiệp, giá cổ phiếu, khoản vay doanh nghiệp và lạm phát của khu vực đồng euro sụt giảm. Thương mại thế giới cũng chịu một phần áp lực. Trái lại, các động thái thắt chặt chính sách của ECB không tác động đáng kể đến nền kinh tế Mỹ.

 

Vì vậy, ECB buộc phải theo dõi chặt chẽ các động thái chính sách của Fed và tỉ giá hối đoái giữa đồng USD và euro. Trên thực tế, hầu như các Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới đều sẽ đưa ra quyết định dựa theo những động thái của Fed bởi lạm phát dai dẳng ở khắp nơi. Tuy nhiên, theo hãng tin WSJ, các động thái tiếp theo của ECB sẽ không phụ thuộc vào Fed nữa.

Căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine đã làm suy giảm sức mua của các hộ gia đình ở châu Âu. Vì vậy, hiện giờ hoạt động xuất khẩu, nhất là thị trường Mỹ, trở thành nguồn thu quan trọng của các quốc gia phương Tây.

Tháng 3/2023, thương mại hàng hoá giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đạt 86 tỉ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, thương mại giữa Trung Quốc - Mỹ đã giảm 25% xuống còn 45 tỉ USD so với một năm trước đó.

Theo dự đoán của giới phân tích, nếu Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái trong thời gian tới, nhập khẩu của nước này sẽ theo đó mà sụt giảm, từ đó trở thành đòn giáng mạnh vào hoạt động xuất khẩu của châu Âu. Tuy nhiên, nếu đồng bạc xanh suy yếu, giá năng lượng và lạm phát nhập khẩu tại các nước châu Âu sẽ hạ nhiệt.

Nhìn chung, nếu nền kinh tế Mỹ “hạ cánh cứng”, cuộc sống của nhiều người dân ở các nước phương Tây sẽ trở nên khó khăn hơn. Nhưng khi đó, bài toán đầy thách thức của ECB sẽ dễ dàng hơn. “Tình hình triển vọng tăng trưởng của châu Âu đang khá bấp bênh. Vì thế, ECB cần phải cẩn trọng trong mọi quyết định”, ông Maurice Obstfeld nhận định.

Có thể bạn quan tâm:

Đồng nhân dân tệ đe dọa vị thế của đồng USD ra sao?

Nguồn WSJ