Hôm nay 6/10, Ngân hàng thế giới (World Bank - WB) vừa công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Theo đó, WB nhận định các quốc gia đang phát triển tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay. Cụ thể, trong năm 2014 và 2015, khu vực này được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 6,9%, giảm từ 7,2% năm 2013. Sau đó, nền kinh tế khu vực sẽ phục hồi nhờ các nền kinh tế phát triển tăng nhu cầu đối với các hàng hóa xuất khẩu từ khu vực.
Mặc dù tăng trưởng chậm lại, nhưng các nền kinh tế đang phát triển tại Đông Á và Thái Bình Dương vẫn giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong số các khu vực trên thế giới.
Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất khu vực sẽ tăng trưởng chậm lại với tốc độ 7,4% trong năm nay và 7,2% trong năm 2015 do phải cơ cấu lại lĩnh vực tài chính dễ tổn thương và những ràng buộc từ quá trình tái cấu trúc.
Ngoại trừ Trung Quốc, các nền kinh tế đang phát triển còn lại trong khu vực này sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay, trước khi tăng lên 5,3% trong năm sau do sự hoàn thành quá trình điều chỉnh xuất khẩu và sản xuất tiêu dùng trong nước trên diện rộng tại khu vực Đông Nam Á.
Triển vọng xuất khẩu
Theo WB, một trong những điểm sáng của nền kinh tế Đông Á đến từTrung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Campuchia- bốn quốc gia sẽ có lợi thế lớn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu hơn nữa sau những thành công có được trong nửa đầu năm. Dự báo kim ngạch xuất khẩu của bốn nền kinh tế trên sẽ đạt 5,7%, tăng 4,9% so với dự báo hồi tháng 4 trước đó của WB.
Riêng nền kinh tế Indonesia sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm lại từ 5,8% năm 2013 xuống còn 5,2% trong năm nay, chủ yếu do giá hàng hóa giảm mạnh trong bối cảnh nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.
Bên cạnh xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế trong khu vực còn được thúc đẩy nhờ các khoản chi tiêu của từng quốc gia như chi tiêu cho cuộc bầu cử ở Indonesia, kiều hối ở Philippines hay thị trường lao động diễn biến tốt tại Malaysia,...
Rủi ro phía trước
Cùng với những triển vọng, các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cũng phải đối mặt với những rủi ro như hồi phục tăng trưởng toàn cầu không như kỳ vọng, sự thắt chặt các điều kiện tài chính quốc tế, tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc hay căng thẳng địa chính trị trong khu vực gia tăng. Đó đều là những yếu tố khiến cho triển vọng kinh tế trong khu vực gặp phải thách thức.
Theo WB, cách tốt nhất để các quốc gia đối phó với những rủi ro này là cải thiện tính dễ tổn thương và không hiệu quả của nền kinh tế từng bị gây ra do kết quả của thời kỳ nới lỏng tiền tệ và tài khóa. Cùng với đó, các quốc gia cần thực hiện tái cấu trúc để nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu, để đạt lợi ích tối đa từ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong dài hạn.
Trong đó, WB ra khuyến nghị những cải cách mang tính quyết định phải đến từ các lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, logictics, tự do hóa lĩnh vực dịch vụ và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, WB cũng khẳng định, những lợi ích mà mỗi quốc gia có được từ sự hồi phục chung của nền kinh tế toàn cầu lại phụ thuộc vào mức độ đầu tư và môi trường xuất khẩu của riêng mình.
Nguồn Theo DVO