Donbass ra “tối hậu thư” cho Kiev: Tự trị hoặc độc lập
Vừa qua, Ban lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Donetsk đã đưa ra hàng loạt tuyên bố, gửi tín hiệu cho Kiev về việc sẵn sàng đi tới một sự thỏa hiệp vì lợi ích bảo tồn tình trạng ngưng chiến mong manh. Tuy nhiên, Kiev tuyệt nhiên không hề phúc đáp, kể cả bằng lời nói hay hành động.
Vùng Donbass hoàn toàn có quyền được tự chủ rộng rãi trong những lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa… - tuyên bố này vang lên từ phát biểu của những học giả nước ngoài tham gia diễn đàn quốc tế tại Donetsk với chủ đề về tình hình ở đông nam Ukraine.
Trong mấy ngày gần đây, ban lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Donetsk mà đại diện là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân của nước Cộng hòa tự xưng- ông Denis Pushilin đã lên tiếng bàn về quyền tự chủ của các Nhà nước ly khai vùng Donbass.
"Lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk đồng ý với quyền tự trị rộng rãi không gây phương hại cho lợi ích của chúng tôi" - ông Pushilin nói với các phóng viên về nguyện vọng của DPR nhưng cũng cảnh cáo rằng: "Nếu Kiev tiếp tục vi phạm Thỏa thuận Minsk, Donetsk sẽ quyết xây dựng nền độc lập hoàn toàn".
Ông cũng thông báo là chính quyền trung ương ở Kiev hiện nay không hề có sự tham vấn với lãnh đạo DPR và LPR về những thay đổi trong Hiến pháp và đạo luật xác định qui chế đặc biệt tại khu vực Donetsk và Lugansk, theo những qui định đã được ghi rõ trong Thỏa thuận Minsk.
Rõ ràng là Kiev cũng không vội thi hành những điều khoản thuộc trách nhiệm của mình trong Thỏa thuận Minsk. Hơn thế nữa, Kiev cũng không tuân thủ đầy đủ các điều khoản của Thỏa thuận, liên quan đến việc ngừng bắn, rút các vũ khí hạng nặng và thành lập khu vực an ninh.
Như lời thừa nhận của chính Tổng thống Poroshenko trong cuộc gặp các quân nhân và học viên Trung tâm huấn luyện bộ binh "Desna" tại vùng Chernigov, Kiev đang tranh thủ lợi dụng tình hình ngừng bắn ở Donbass để tăng cường khả năng quốc phòng và tái vũ trang quân đội.
Vừa qua, vị Tổng thống Ukraine còn tuyên bố sẽ lấy lại sân bay Donesk - khu vực rõ ràng được quốc tế công nhận thuộc quyền quản lý của lực lượng ly khai - trong cả 2 thỏa thuận Minsk 1 và Minsk 2. Chính Tổng thống Ukraine cũng đã từng thừa nhận điều đó khi ông đồng ý với các thỏa thuận này.
Rõ ràng là chính quyền Ukraine không cưỡng lại được sự cám dỗ của viễn cảnh dùng vũ lực buộc Donbass trở lại vòng kiểm soát của Kiev. Các chuyên gia quốc tế bày tỏ sự lo ngại rằng có khả năng là Kiev sẽ tái diễn chiến sự ở vùng đông nam trong thời gian tới.
Tuyên bố của ông Pushilin về sự sẵn sàng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk chấp nhận quyền tự chủ rộng rãi chính là nỗ lực nhằm tránh một cuộc chiến mới, cứu vãn một nền hòa bình mong manh ở đất nước này. Thế nhưng, dường như Kiev hiện thời vẫn chưa cho thấy họ muốn hòa bình.
Tháng 4 vừa qua, 300 huấn luyện viên Mỹ đã đến Ukraine để đào tạo 3 tiểu đoàn vệ binh quốc gia. Trước đó có tin rằng Canada cũng sẽ cử 200 quân nhân giúp Kiev. Hiện tại đang có 800 người Mỹ và 75 người Anh hoạt động hợp pháp và mấy trăm lính đánh thuê nước ngoài bất hợp pháp hiện diện ở Ukraine.
Nhưng chính quyền Kiev hy vọng điều gì ở đây? Để khuất phục Novorossiya nổi loạn hay duy trì chính quyền với sự hỗ trợ của lưỡi lê Mỹ và Anh?
“Bà đỡ” của Ukraine là toàn bộ "thế giới văn minh, dân chủ phương Tây" đang hỗ trợ Kiev về mặt tinh thần, chính trị, tài chính, quân sự và pháp lý, sức mạnh chính của bộ máy quân sự Ukraine gồm quân đội, cũng như lực lượng vệ binh quốc gia, các tiểu đoàn tình nguyện, lính đánh thuê nước ngoài…
Phương Tây đang cung cấp cho Kiev các chuyên gia quân sự, nhân viên tình báo và vũ khí hiện đại. Nhờ quân sự hóa đất nước một cách mạnh mẽ, Kiev đã gia tăng số lượng quân nhân lên đến hơn 200.000 người. Con số đó lớn hơn lực lượng ly khai Donbass gấp mười lần.
Nhưng không có loại vũ khí nào, cũng như không có huấn luyện viên nào, không có tiền bạc hoặc lực lượng lính đánh thuê nào có thể giúp Kiev chiến thắng nổi Novorossiya. Nguyên nhân là do những yếu kém và vướng mắc của quân đội Ukraine.
Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang hy vọng đất nước này sẽ được hòa bình thì bộ máy chiến tranh của Ukraine đang được tăng cường thêm nhiều vũ khí của phương Tây. Nó không được thành lập để thực hiện thỏa thuận Minsk và bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào khác.
Tuy nhiên, cái bộ máy chiến tranh này lại không thèm tuân phục ban lãnh đạo chính trị của đất nước. Giới chức lãnh đạo quân đội Ukraine cũng không thể kiểm soát được các tiểu đoàn tình nguyện và khó có thể kiểm soát lực lượng này trong những năm tới.
Các nhà phân tích phương Tây chắc cũng nhận thức được rằng quân đội Ukraine không thể giành phần thắng trong cuộc chiến với Donbass.
Chuyên gia phân tích Christine Dyuguan-Clément của Quỹ Sogdiane cho rằng, "tình hình trong quân đội Ukraine đã tới gần mức thảm khốc… Quân đội không có kỹ năng, không có năng lực để kiểm soát tình hình trong nước. Hơn nữa, một bộ phận chỉ huy hoàn toàn không có khả năng lãnh đạo các hoạt động quân sự."
Từ đây, có thể đưa ra giả thuyết rằng mục đích của quân đội Mỹ tại Ukraine là nhằm đảm bảo cho Hoa Kỳ kiểm soát lãnh thổ Ukraine và để các công ty Mỹ dần dần nuốt chửng đất nước này. Phương Tây chỉ quan tâm đến lợi nhuận chứ đâu cần quan tâm đến nhân dân Ukraine?
Đối với Kiev, quân sự hóa đất nước cũng chẳng còn cần thiết để chống Donbass hoặc chống Nga, mà chính là cần để duy trì quyền lực của giới lãnh đạo chóp bu và che dấu thực trạng bi thảm của nền kinh tế, bất chấp nền văn minh phương Tây chỉ mang lại cho nhân dân nước này chiến tranh, loạn lạc và đói nghèo.
Nguồn Báo Đất Việt