Donald Trump và Brexit: Hiện tượng hay xu hướng?
Nếu có hiện tượng nào gây nhiều sóng gió nhất cho chính trường nước Mỹ trong vòng hơn một năm qua thì đó chính là sự trỗi dậy của Donald Trump, tỉ phú bất động sản kiêm cựu dẫn chương trình The Apprentice.
Từ khi khởi động chiến dịch tranh cử hồi tháng 6 năm ngoái, Trump đã ngay lập tức gây sốc bằng hàng loạt phát biểu “để đời” về chính sách nhập cư, kinh tế lẫn ngoại giao: “Tôi sẽ xây một bức tường lớn, thật lớn ở biên giới phía Nam của chúng ta và tôi sẽ bắt Mexico phải trả tiền cho bức tường đó”, “Tôi sẽ cho phép lại việc tra tấn bằng cách trấn nước và hơn thế nữa”, “Ngăn chặn hoàn toàn việc cho người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ”, “Nước Nhật phải trả tiền cho chúng ta hoặc tự bảo vệ lấy mình”…
Với những câu nói gây sốc như vậy, ban đầu chẳng ai nghĩ rằng vị tỉ phú này thực sự nghiêm túc trong việc tranh cử, mà cho rằng đây lại là một cách để Trump làm PR thương hiệu bản thân như trước nay vẫn làm. Tuy nhiên, cuối tháng 7 vừa qua, Trump đã được bầu làm ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, đối đầu trực tiếp với ứng viên đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Sức mạnh của Trump đã sớm được thể hiện ngay từ khi ông bắt đầu tuyên bố tranh cử. Từ tháng 7.2015, các cuộc khảo sát uy tín cho thấy Trump liên tục là người được ủng hộ nhiều nhất trong số các ứng viên tiềm năng của đảng Cộng hòa, qua mặt các chính trị gia nhiều kinh nghiệm như Jeb Bush, John Kasich, Ted Cruz,… Trong khi các ứng viên khác bỏ ra hàng chục triệu USD cho các mẫu quảng cáo tranh cử trên tivi, như Jeb Bush chi 82 triệu USD, Marco Rubio chi 55 triệu… thì Trump chỉ cần bỏ ra 10 triệu USD. Đổi lại, theo tính toán của mediaQuant, nhờ vào những câu nói “để đời”, Trump đã được hưởng gần 1,9 tỉ USD tiền PR “miễn phí”, nhiều hơn các ứng viên của đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ cộng lại.
Có lẽ, điều này không có gì lạ khi trong cuốn sách nổi tiếng “The Art of The Deal” của mình, Trump đã cho rằng: “Từ góc nhìn lợi nhuận, đôi lúc việc bị mang tiếng xấu còn tốt hơn không được mang tiếng gì cả”. Ngay sau khi Trump trở thành ứng viên đảng Cộng hòa, đồng tác giả cuốn sách này là Tony Schwartz đã lên tiếng tố cáo Trump chẳng tham gia gì vào việc viết sách ngoài chuyện bỏ đi vài câu trích dẫn, cũng như “nếu Trump chiến thắng thì có khả năng rất lớn là sẽ dẫn đến sự tuyệt diệt của nền văn minh”. Thế là một lần nữa, cái tên Trump lại được xuất hiện ở trên gần như toàn bộ các tờ báo lớn của thế giới.
Dĩ nhiên, việc có mặt liên tục trên truyền thông chỉ là một phần lý do cho thành công của Trump. Để hiểu được sự trỗi dậy mạnh mẽ của ông, cần nhìn sang phong trào vận động rời khỏi EU tại Anh Quốc (còn gọi là Brexit). Tháng 6 vừa qua, phong trào này đã bất ngờ giành chiến thắng lớn khi đa số người dân Anh bỏ phiếu lựa chọn giải pháp Brexit, bất chấp hầu hết nhận định của giới chuyên gia rằng Brexit sẽ gây ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế Anh. Một lãnh đạo chủ chốt của phong trào này là cựu Thị trưởng London Boris Johnson, người hay được gọi là “Donald Trump của nước Anh”.
Cũng tương tự như chiến dịch của Trump, phong trào Brexit đã giành chiến thắng với những thông điệp mang tính bài ngoại, phản đối người nhập cư và việc tự do hóa thương mại. Trong khi khẩu hiệu của Trump là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, thì khẩu hiệu của phe Brexit là “Giành lại quyền điều khiển”.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà những người ủng hộ Trump tại Mỹ có nhiều nét tương đồng với những người ủng hộ Brexit tại Anh. Họ có chung một suy nghĩ là đơn giản chỉ cần đóng các cửa khẩu lại và chặn bớt người nhập cư cũng như hoạt động thương mại là có thể quay trở về với cuộc sống ngày xưa. Khi đó, sẽ không còn người nhập cư nào lấy đi công việc của họ, chẳng còn doanh nghiệp nào “xuất khẩu” công việc ra nước ngoài, cũng chẳng còn phải lo mất việc vì hàng ngoại nhập cạnh tranh.
Đến thăm nước Anh vào tháng 6 sau khi có kết quả bỏ phiếu Brexit, Trump cũng tuyên bố có sự tương đồng giữa tình hình 2 nước Anh - Mỹ, và cho rằng: “Người dân muốn giành lại đất nước của họ”.
Sự trỗi dậy của những nhân vật như Trump hay Johnson thực ra là điều đã được dự đoán từ 20 năm trước. Trong cuốn sách nổi tiếng “Jihad vs McWorld” xuất bản năm 1995, nhà khoa học chính trị người Mỹ Benjamin Barber đã đưa ra giả thuyết rằng thế giới sẽ bị phân chia bởi 2 xu hướng chính. Theo đó, McWorld (toàn cầu hóa và sự trỗi dậy của các tập đoàn lớn, lấy cảm hứng từ cái tên McDonald’s) sẽ đối nghịch với Jihad (sự bảo thủ dựa trên chủ nghĩa dân tộc hay cực đoan tôn giáo, lấy cảm hứng từ những cuộc “thánh chiến” của các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan).
Trong một cuốn sách bán chạy khác là “Chiếc Lexus và cây ôliu” (1999), nhà báo Thomas L. Friedman cũng đưa ra luận điểm tương tự. Tuy nhiên, có lẽ lúc viết sách, cả Barber lẫn Friedman đều không nghĩ sự xung đột này lại diễn ra gay gắt đến vậy tại 2 quốc gia phát triển hàng đầu là Anh và Mỹ.
Trong những năm qua, hàng loạt nghiên cứu kinh tế chỉ ra rằng, người được hưởng lợi nhiều nhất từ làn sóng toàn cầu hóa chính là tầng lớp giàu có ở các nước phát triển và hầu hết người dân ở các nước đang phát triển. Và những người bị mất mát nhiều nhất lại là các tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp ở các nước phát triển.
Theo khảo sát gần đây nhất của Pew, giai đoạn 1980-2014, lượng tài sản của tầng lớp trung lưu Mỹ đã giảm từ 60% còn 43%; còn giới thu nhập thấp thì vẫn giữ nguyên ở mức 9-10%. Trong khi đó, lượng tài sản của tầng lớp giàu có đã tăng từ 30% lên 49%. So sánh năm 1992 với 2014, trong khi giá trị tài sản bình quân của các gia đình trung lưu chỉ tăng khoảng 2% và gia đình nghèo giảm 33%, thì các gia đình giàu có lại tăng gần gấp đôi. Cũng theo Pew, số người trung lưu ở Mỹ đang liên tục thu hẹp lại, trong khi số người nghèo và người giàu đều tăng lên.
Sự trỗi dậy của Donald Trump chính là biểu hiện của làn sóng bất mãn đó. Khảo sát của Gallup cho thấy nhóm cử tri ủng hộ Trump mạnh nhất là những người đàn ông da trắng lớn tuổi chưa có bằng đại học, tương tự như nhóm ủng hộ Brexit tại Anh. Từ năm 1990 tới năm 2013, tỉ lệ đàn ông không có bằng đại học và không có việc làm ổn định tại Mỹ đã tăng từ 24% lên 32%, theo The Hamilton Project.
Còn theo khảo sát từ PRRI, hầu hết những người ủng hộ Trump muốn trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, cũng như cho rằng người nhập cư là nguyên nhân gia tăng tỉ lệ tội phạm. Nhóm ủng hộ Trump cũng chống đối mạnh mẽ nhất các hiệp định tự do thương mại như NAFTA hay TPP, vì cho rằng các hiệp định này dẫn tới tình trạng thất nghiệp và cắt giảm lương bổng. Đáng lo ngại hơn, có tới 72% người ủng hộ Trump cho rằng nước Mỹ cần có một nhà lãnh đạo “sẵn sàng phá bỏ một số quy tắc” để khắc phục tình hình hiện nay.
Bất chấp việc nhiều chuyên gia đã lên tiếng cho rằng nếu Trump trở thành Tổng thống sẽ là một thảm họa kinh tế lẫn ngoại giao cho nước Mỹ, những thành phần ủng hộ Trump nhiệt tình nhất vẫn không thay đổi suy nghĩ.
Dù sao đi nữa, cũng đã có những dấu hiệu đầu tiên về việc gió đổi chiều với Trump. Theo khảo sát gần đây nhất từ Reuters, Hillary Clinton đang dẫn trước Trump tới 7% và có tới gần 20% số người ủng hộ đảng Cộng hòa muốn Trump sớm bỏ cuộc năm nay. Nhưng bài học từ Brexit cho thấy, các kết quả khảo sát vẫn có thể bị đảo lộn bởi thực tế. Trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, hầu hết khảo sát đều cho thấy đa số dân Anh vẫn ủng hộ việc ở lại EU, cho tới tận sát ngày bỏ phiếu. Vì vậy, khả năng thành công giờ chót của Trump vẫn là một ẩn số lớn không thể bỏ qua.
Ngay cả trong trường hợp Trump thất bại, vẫn còn đó mối lo một Trump phiên bản 2.0 hay Brexit 2.0 nào khác có thể sớm xuất hiện nếu các vấn đề kinh tế và bất bình đẳng của Mỹ và châu Âu không được giải quyết. Sang giữa năm 2017, Pháp sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống mới và hiện nữ lãnh đạo Marine Le Pen của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (Front National) đang dẫn đầu với tỉ lệ ủng hộ 28%. Đến cuối quý III/2017, Đức cũng sẽ có bầu cử và hiện đảng cực hữu Lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) đang trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành đảng có tỉ lệ ủng hộ lớn thứ 3 nước này.
Tuấn Minh