Thứ Hai | 26/01/2015 09:37

Dõi theo Fed và Nhật Bản trong tuần này

Sau ECB, thị trường tài chính toàn cầu sẽ hướng về cuộc họp chính sách của Fed trong tuần này nhằm tìm định hướng lãi suất trong năm nay.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp chính sách từ ngày 27 trước khi công bố quyết sách vào chiều ngày 28/1.

Theo dự đoán của giới phân tích, Fed sẽ duy trì quan điểm kiên trì trong vấn đề nâng lãi suất trong khi tiếp tục theo dõi số liệu kinh tế để quyết định thời điểm thắt chặt chính sách.

Mặc dù tình hình kinh tế và thị trường lao động Mỹ đã cải thiện hơn nhiều nhưng tỷ lệ lạm phát lõi lại đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, dấy lên lo ngại về nguy cơ giảm phát. Một yếu tố khác cũng khiến Fed phải chần chừ trong việc nâng lãi suất là, ngân hàng trung ương của các nước lớn đang tăng cường kích thích để thúc đẩy kinh tế. Rõ ràng, Fed đang đi ngược với thế giới trong chủ trương chính sách tiền tệ.

Trên thực tế, việc Fed nâng lãi suất trong khi các nền kinh tế lớn khác tiếp tục nới lỏng chính sách sẽ càng thúc đẩy dòng vốn chảy vào USD và gây áp lực lên giá cả hàng hóa. Lúc đó, xuất khẩu của Mỹ có thể sẽ giảm sút đồng thời nguy cơ giảm phát tăng cao.

Chuyên gia kinh tế trưởng Shane Oliver tại công ty AMP Capital dự đoán, Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 6 nhưng cũng có thể trì hoãn lâu hơn.

Trong khi đó tại châu Á, mọi con mắt sẽ đổ dồn về Nhật Bản, đặc biệt sau khi nước này bất ngờ rơi vào suy thoái trong quý III/2014.

Tuần này, chính phủ Nhật Bản sẽ công bố một loạt số liệu để thị trường có cái nhìn cụ thể hơn về tình hình sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong tháng cuối năm 2014. Theo đó ngày 29 - 30/1, Nhật Bản sẽ công bố doanh số bán lẻ, chi tiêu hộ gia đình, sản lượng sản xuất và số liệu việc làm của tháng 12/2014.

Tuy nhiên, tâm điểm lớn nhất vẫn là chỉ số lạm phát. Theo dự báo của giới chuyên gia, chỉ số lạm phát lõi của Nhật Bản, không tính giá thực phẩm, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 12, giảm liên tiếp từ mức 2,9% của tháng 10.

Mặt khác nếu điều chỉnh theo đợt tăng thuế tiêu thụ hồi tháng 4/2014, CPI lõi có thể tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.

Hiện nay, Nhật Bản và nhiều nền kinh tế khác trên thế giới đang gặp khó khăn khi áp lực lạm phát liên tục giảm do đà lao dốc của giá dầu. Nếu giá dầu không phục hồi, kinh tế thế giới rất có thể sẽ rơi vào suy thoái và giảm phát trong tương lai.

Sự kiện vua Abdullah bin Abdulaziz Al Saud qua đời vào ngày 23/1 đã khiến thị trường năng lượng càng biến động mạnh và giá dầu thô Brent bật tăng. Giới phân tích sẽ tiếp tục theo dõi diến biễn và tác động của giá dầu đến các lĩnh vực kinh tế trong tuần này.

Tuần này, giới đầu tư cũng sẽ theo dõi kết quả kinh doanh của nhiều "tay chơi" lớn trên thị trường, như Apple, Microsoft.

Nguồn DVO/ CNBC, Reuters