Mỹ, nơi nhập khẩu phần lớn dầu ô liu từ Tây Ban Nha và Ý, đang nhập khẩu ít hơn nhưng với chi phí cao hơn. Ảnh: Getty Images.
Doanh số bán "vàng lỏng" bị tác động bởi biến đổi khí hậu
Doanh số bán dầu ô liu đã giảm mạnh ở vùng đất Địa Trung Hải khi người Tây Ban Nha và Ý tránh xa nguyên liệu ẩm thực được yêu thích nhất của họ, sau khi giá tăng cao.
Ông Ignacio Silva, Giám đốc Điều hành của Deoleo, nhà bán dầu ô liu lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, cho biết người tiêu dùng quan tâm đến chi phí đang thay đổi thói quen của họ, vì hạn hán làm mất mùa đã dẫn đến lạm phát giá dầu olive.
“Chúng tôi bắt đầu nhận thấy từ sáu đến tám tháng trước rằng khi vượt qua ngưỡng 8 euro một lít, mọi người sẽ tiêu thụ ít hơn hoặc chuyển sang dùng dầu hạt.”, ông nói.
Hạn hán và nắng nóng do biến đổi khí hậu đã làm giảm sản lượng dầu ô liu ở Tây Ban Nha, quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới, cũng như các quốc gia sản xuất lớn khác như Ý và Hy Lạp, gây ra tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu.
Trong hai mùa vừa qua, chỉ có 2,4 triệu tấn được sản xuất trên toàn cầu, thấp hơn nhiều so với nhu cầu hàng năm thông thường là 3,2 triệu tấn, theo ông Juan Vilar, một cố vấn cho các nhà sản xuất và bán lẻ dầu ô liu có trụ sở tại Tây Ban Nha. "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, chúng tôi có hai mùa vụ tồi tệ liên tiếp", ông nói.
Lệnh cấm xuất khẩu do một số quốc gia đưa ra đã tạo thêm áp lực. Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát phi mã vào tháng 8 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu, hiện đã được dỡ bỏ một phần đối với dầu ô liu đóng thùng. Vào tháng 10, Syria và Morocco cũng hạn chế xuất khẩu, tiếp tục siết chặt nguồn cung toàn cầu và đẩy giá lên cao.
Sự thiếu hụt “vàng lỏng” đã đẩy giá tiêu dùng lên cao. Đầu năm nay, cơ quan thống kê EU đã báo cáo mức tăng ở tất cả các quốc gia trong khối, với người mua sắm ở Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Tây Ban Nha phải đối mặt với mức tăng giá theo năm hơn 60%, mức tăng tại Ý là 45%.
Theo dữ liệu của ngành, ở Tây Ban Nha, nơi sản xuất nhiều dầu ô liu hơn bất kỳ nơi nào khác và yêu thích hương vị của nó, người tiêu dùng đã mua ít hơn 22% trong 20 tuần đầu năm nay so với năm 2023. Khối lượng đã giảm 30% kể từ năm 2022, năm giá bắt đầu tăng.
Nhãn hiệu Deoleo đang tìm thấy khả năng phục hồi tốt hơn ở Mỹ, một thị trường chưa được khai thác nhiều, nơi khối lượng đã giảm nhưng không mạnh như ở Địa Trung Hải. Ông Silva cho biết: "Những người tiêu dùng mới đang tham gia vào danh mục này mỗi ngày tại Mỹ. Sự gia tăng về mức độ thâm nhập đó có thể đang chậm lại, nhưng nó vẫn đang diễn ra vì vẫn còn rất nhiều cơ hội".
Mỹ, nơi nhập khẩu phần lớn dầu ô liu từ Tây Ban Nha và Ý, đang nhập khẩu ít hơn nhưng với chi phí cao hơn. Năm ngoái, quốc gia tiêu thụ lớn thứ hai thế giới đã nhập khẩu gần 350.000 tấn với giá 2,19 tỉ USD, so với 410.000 tấn với giá 1,86 tỉ USD vào năm 2022, theo dữ liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, cho thấy một số người mua sắm đang bị cản trở bởi việc tăng giá.
Deoleo đang quảng cáo lợi ích sức khỏe của dầu ô liu tại Mỹ, trích dẫn các nghiên cứu cho thấy dầu ô liu làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cải thiện tiêu hóa. Nhưng ông Silva cho biết, họ phải vượt qua một số quan niệm sai lầm, thuyết phục người Mỹ rằng dầu ô liu có thể được sử dụng để nấu ăn và có hương vị đậm đà.
Ở Tây Ban Nha, nơi dầu ô liu là trụ cột của nền kinh tế nông nghiệp ở phía nam, những người nông dân đang hy vọng rằng những cơn mưa mùa xuân và nhiệt độ mùa hè bớt khắc nghiệt hơn sẽ giúp thu hoạch tốt hơn từ tháng 10 đến tháng 1.
Ở mức tệ nhất, sản lượng dầu ô liu của Tây Ban Nha đã giảm hơn một nửa. Từ mức cao nhất là 1,49 triệu tấn trong năm 2021-22, hạn hán và nắng nóng đã cắt giảm xuống còn 666.000 tấn trong năm 2022-23 trước khi phục hồi khiêm tốn lên 851.000 tấn trong năm 2023-24, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp.
Ý, nhà sản xuất lớn thứ hai, thu hoạch chưa tới 240.000 tấn vào năm 2023, giảm 25% so với năm trước. Trong khi đó, Hy Lạp chỉ sản xuất được 120.000 tấn ô liu trong năm nay, chưa bằng một nửa vụ mùa trước.
Có thể bạn quan tâm:
Đồng nhân dân tệ suy yếu có thể là điều Trung Quốc cần, nhưng không muốn
Nguồn FT