Doanh nghiệp Trung Quốc và thách thức vượt biên
Điều này phần nào xuất phát từ một thực tế: Trung Quốc đang mất dần sức cạnh tranh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, tổng FDI vào Trung Quốc năm 2012 đã giảm 3,7%. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009, FDI vào quốc gia hơn 1,3 tỷ dân sụt giảm.
Jarno Tagliarini, giám đốc điều hành Coronet, một công ty của Italia có nhà máy ở Quảng Đông, cho biết giá nhân công và các chi phí khác tăng cao trong một thời gian dài tại Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường này trở nên kém hấp dẫn. Giờ đây, Đông Nam Á đang là điểm đến yêu thích của nhiều nhà đầu tư. Năm 2012, FDI vào Thái Lan tăng 63%. Trong khi đó, trong 9 tháng năm 2012, con số này tại Indonesia tăng 27%.
Trái ngược với sự sụt giảm FDI, dòng tiền đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc lại tăng mạnh. Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc Thần Đan Dương cho biết, trong năm 2012 Bắc Kinh đã đầu tư vào 4.425 công ty ở 141 nước trên thế giới.
Ông Dương dự đoán đến năm 2015, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài sẽ đạt 150 tỷ USD. Doanh nghiệp Trung Quốc mua các nhà máy, xí nghiệp, khu mỏ và các tài sản khác ở nước ngoài trong năm 2012 tăng 28,6% so với năm 2011.
Trong khi đó, các rào cản ngăn chặn của đầu tư Trung Quốc vào thị trường Mỹ, cũng như tình hình căng thẳng xung quanh cuộc tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản trên thực tế không ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển và quá trình mở rộng đầu tư của Trung Quốc tại hai quốc gia này, lần lượt là 66% và 48%.
Sắp tới, các nhà lập pháp Trung Quốc còn tiến hành thảo luận về dự luật cho phép các nhà đầu tư tư nhân trực tiếp đầu tư ra nước ngoài, không phải thông qua các tổ chức tài chính như hiện nay và dự kiến sẽ công bố chi tiết vào tháng 5 tới.
Shen Jianguang, nhà kinh tế của công ty chứng khoán châu Á Mizuho tại Hong Kong, cho rằng việc Trung Quốc thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài là cách nhanh nhất để các công ty Trung Quốc có thể chiếm lĩnh những công nghệ tiên tiến và các thị trường giàu tiềm năng.
Theo vị này, công nghệ sẽ giúp Trung Quốc hướng tới sản xuất hàng hóa có giá trị cao và khi có thị trường, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh. Có thể nói, việc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài được xem là một trong những cách làm để Trung Quốc tự dịch chuyển nền sản xuất “gia công hàng hóa” của nước này.
Tuy nhiên, để biến những kế hoạch đó thành hiện thực không dễ. Năm 2012, Trung Quốc đã phải chứng kiến số lượng lớn chưa từng thấy các cuộc điều tra chống bán phá giá sản phẩm của nước này.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ, EU và Nhật Bản đã đệ đơn cáo buộc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu kim loại đất hiếm. Chỉ riêng ở Mỹ đã có 30 cuộc điều tra chống bán phá giá hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó, năm 2013, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ điều tra việc Trung Quốc hỗ trợ cho các nhà sản xuất thép với lớp phủ hữu cơ bằng cách mua nguyên liệu giá thấp hơn thị trường. EC đề nghị áp dụng thuế đối kháng lên đến 50% về sản phẩm này nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu sẽ đi kèm với các cuộc chiến tranh tiền tệ. Trong mấy tháng gần đây, Mỹ, EU và Nhật Bản đã thực hiện bước đi nhằm phá giá đồng USD, EUR và đồng yên để tạo điều kiện cho xuất khẩu. Và đây là một thách thức đối với Trung Quốc.
Nguồn Sài Gòn Giải Phóng