Việc sản xuất tại các nước khác còn giúp doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng thị trường, giảm rủi ro. Ảnh: The Economist.

 
Lam Ngọc Thứ Tư | 04/12/2024 13:54

Doanh nghiệp Trung Quốc và cơn sóng đầu tư ra nước ngoài

Các công ty Trung Quốc đang gia tăng đầu tư ra nước ngoài, mở rộng sản xuất và tìm kiếm thị trường mới.

Trong cộng đồng doanh nghiệp phương Tây, "gia công" dường như đang trở thành thuật ngữ mang ý nghĩa tiêu cực. Những công ty từng háo hức đưa sản xuất ra nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, để tiết kiệm chi phí nay tìm cách quay lại cam kết với thị trường nội địa. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đang làm điều ngược lại: chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài và mở rộng đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Xu hướng này dự kiến tiếp tục tăng mạnh vào năm 2025.

Với các doanh nghiệp Trung Quốc muốn xuất khẩu sang Mỹ, việc chuyển sản xuất ra nước ngoài không còn là lựa chọn mà trở thành điều bắt buộc. Điều này giúp họ né tránh mức thuế từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, vốn được duy trì dưới thời Tổng thống Joe Biden. Khi ông Trump tái đắc cử và áp đặt mức thuế cao hơn, có thể lên tới 60%, cuộc đua tìm địa điểm sản xuất mới sẽ càng thêm cấp bách.

Không chỉ dừng lại ở chiến tranh thương mại, việc sản xuất tại các nước khác còn giúp doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng thị trường, giảm rủi ro từ các hạn chế thương mại trong tương lai và tạo thiện cảm với chính quyền nước sở tại, thậm chí đôi khi nhận được trợ cấp. Đồng thời, điều này phản ánh thực trạng nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại. Trước đây, thị trường nội địa bùng nổ đủ để các tập đoàn lớn phát triển, nhưng khủng hoảng bất động sản kéo dài khiến thị trường trong nước không còn hấp dẫn như trước.

Các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào các cơ sở sản xuất mới đã đạt kỷ lục 163 tỉ USD vào năm 2023, tập trung chủ yếu vào các nước ngoài phương Tây như Ả Rập Xê Út, Malaysia, Việt Nam, Morocco và Kazakhstan. Trong năm 2024, xu hướng này vẫn tiếp diễn.

BYD, nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc, đang xây dựng một nhà máy ở Hungary và đầu tư 1 tỉ USD vào Thổ Nhĩ Kỳ. Great Wall Motor khai trương nhà máy ô tô tại Thái Lan đầu năm 2024, trong khi Chang’an Automobile dự kiến đưa nhà máy tại Thái Lan đi vào hoạt động trong năm 2025. Beiqi Foton Motor cũng thông báo đầu tư 1 tỉ USD vào nhà máy xe điện tại Mexico. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc đạt 124 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù đầu tư mạnh, doanh thu từ nước ngoài của các công ty Trung Quốc niêm yết vẫn chỉ chiếm 10%, thấp hơn nhiều so với 35% của các doanh nghiệp Nhật Bản. Dẫu vậy, một số doanh nghiệp tiên phong đạt tỉ lệ vượt trội. Goertek và Luxshare, các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của Apple, đã mở rộng tại Đông Nam Á, với doanh thu từ nước ngoài chiếm lần lượt 93% và 89%.

Xu hướng đầu tư ra nước ngoài mở ra cơ hội lớn. Nếu thực hiện hiệu quả, các khoản đầu tư này có thể giảm bớt căng thẳng thương mại. Ngành ô tô Trung Quốc đang đi theo con đường mà các hãng xe Nhật Bản từng thành công. Trong thập niên 1980, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Nhật được xoa dịu khi Honda, Nissan và Toyota xây dựng các nhà máy tại Mỹ.

Tuy nhiên, rủi ro vẫn tồn tại. Các nhà sản xuất pin mặt trời Trung Quốc tại Đông Nam Á gần đây bị Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc chỉ thực hiện công đoạn lắp ráp cuối cùng tại khu vực này, dẫn đến mức thuế mới áp dụng từ tháng 6/2024. Khi doanh nghiệp Trung Quốc tăng đầu tư ra nước ngoài để né thuế, họ vẫn phải đối mặt với sức ép từ chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt tại Mỹ.

Xu hướng này đặt các doanh nghiệp Trung Quốc trước bài toán cân bằng giữa cơ hội mở rộng và thách thức từ chính sách bảo hộ toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm:

Kinh tế Trung Quốc chao đảo dưới bóng ma giảm phát

Nguồn The Economist